Burundi đối mặt với cấm vận của các nhà tài trợ Phương Tây

Burundi có thể đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất khi các nhà tài trợ phương Tây đang xem xét việc đình chỉ viện trợ và đe dọa cô lập ngoại giao do khủng hoảng chính trị tại nước này.
Quân nhân Burundi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Burundi có thể đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất khi các nhà tài trợ phương Tây đang xem xét việc đình chỉ viện trợ và đe dọa cô lập ngoại giao do khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Phi này.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các Cơ quan viện trợ hàng đầu của Đức như GIZ và Tổ chức Thương mại Đông Phi (TMEA) đã tuyên bố đình chỉ hợp tác với Burundi.

Hiện Mỹ, EU và các Cơ quan viện trợ trên đang đóng góp hơn 52% tổng số tiền tài trợ cho quốc gia châu Phi này. Đặc biệt, 27 quốc gia thành viên của EU đã đồng loạt tạm đóng cửa các Cơ quan đại diện ngoại giao của họ tại nước này.

Washington cũng tuyên bố sẽ loại bỏ Burundi ra khỏi Hiệp định Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA), thỏa thuận thương mại ưu tiên của Mỹ dành cho châu Phi đêm đến 4 triệu USD mỗi năm cho quốc gia Trung Phi này.

Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) cũng lên tiếng chỉ trích các cuộc bầu cử được tổ chức tại đây tháng Bảy vừa qua.

Hiện nay, Tổng thống Pierre Nkurunziza đang cố gắng thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc và Nga nhằm bù đắp sự cấm vận của Phương Tây. Đặc biệt, Burundi cũng đang đẩy mạnh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đang bị Phương Tây "xa rời" sau khi diễn ra cuộc bầu cử gây tranh cãi ở nước này vào tháng Sáu vừa qua.

Mới đây, người phát ngôn của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức, bà Katharina Manz cho biết Đức sẽ cắt giảm viện trợ đối với tất cả các chương trình, dự án liên quan đến Chính phủ Burundi, bao gồm các dự án trong Cộng đồng Đông Phi (EAC), nhưng các dự án xã hội và cộng đồng doanh nghiệp quốc gia châu Phi đang tham gia trong khối này vẫn sẽ được hỗ trợ.

Tổ chức Thương mại Đông Phi cũng đang xem xét việc đình chỉ các chương trình của họ ở Burundi với lý do bất ổn chính trị và tình hình an ninh xấu đi nghiêm trọng tại quốc gia châu Phi này kể từ tháng 3/2015./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục