Burundi: Kêu gọi sửa đổi hiến pháp để lập chính phủ đoàn kết

Liên minh CNDD-FDD cầm quyền ở Burundi đã đề nghị Cộng đồng Đông Phi (EAC) hiểu được sự cần thiết của việc thay đổi hiến pháp nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết ở nước này.
Burundi: Kêu gọi sửa đổi hiến pháp để lập chính phủ đoàn kết ảnh 1Chủ tịch CNDD-FDD Pascal Nyabenda. (Nguồn: bbc.com)

Ngày 28/7, đảng Hội đồng quốc gia bảo vệ nền dân chủ-Các lực lượng bảo vệ nền dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền ở Burundi đã đề nghị Cộng đồng Đông Phi (EAC) hiểu được sự cần thiết của việc thay đổi hiến pháp nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết ở nước này.

Trong thông điệp chúc mừng Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, Chủ tịch CNDD-FDD Pascal Nyabenda nhấn mạnh đảng này kêu gọi EAC hiểu được thực tế cần sửa đổi hiến pháp.

Theo Chủ tịch CNDD-FDD, việc sửa đổi hiến pháp quốc gia sẽ giúp tránh lặp lại kịch bản năm 2005 khi ông Nkurunziza để các đảng phái chính trị khác tham gia vào chính phủ, song phe đối lập lại phản đối và cho rằng điều này là vi hiến.

Đảng CNDD-FDD cũng tái khẳng định cam kết tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, tự do, minh bạch và toàn diện trong các cuộc bầu cử, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ chính phủ nước này.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Phái bộ Liên hợp quốc quan sát bầu cử ở Burundi (MENUB) khẳng định hoàn cảnh tổ chức cuộc bầu cử tổng thống tại nước này vào ngày 21/7 vừa qua không có lợi cho một cuộc bầu cử đáng tin cậy. Tuyên bố từ MENUB nêu rõ cuộc bầu cử đã diễn ra sau hai lần trì hoãn trong một môi trường thiếu lòng tin giữa các nhóm đối lập.

Theo MENUB, quyết định ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo của tổng thống đương nhiệm đã gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế xã hội nghiêm trọng. Việc tòa án hiến pháp ra phán quyết chấp nhận việc tổng thống tiếp tục tranh cử đã làm leo thang căng thẳng, các cuộc biểu tình và tranh cãi.

Cuộc bầu cử tổng thống Burundi được chính thức tiến hành hôm 21/7 với khoảng 3,8 triệu cử tham gia, bất chấp lời kêu gọi tạm hoãn của các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế do bất ổn leo thang trước thềm bầu cử.

Theo kết quả bỏ phiếu, ông Nkurunziza được hơn 69% số cử tri ủng hộ và giành chiến thắng ngay tại vòng đầu. Các phe phái đối lập tại Burundi lên án và tẩy chay cuộc bầu cử vì cho rằng việc ông Nkurunziza tranh cử nhiệm kỳ thứ ba là vi hiến và vi phạm Thỏa thuận hòa bình ký năm 2006.

Trong gần bốn tháng qua, các cuộc biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Nkurunziza đã biến thành bạo lực cướp đi sinh mạng của ít nhất 100 người và khiến hơn 150.000 người phải bỏ nhà cửa sang lánh nạn tại các nước láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục