Burundi: Một loạt bộ trưởng mất chức sau âm mưu đảo chính

Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Pontian Gaciyubwenge, Ngoại trưởng Laurent Kavakure, và Bộ trưởng Thương mại Virginia Ciza.
Burundi: Một loạt bộ trưởng mất chức sau âm mưu đảo chính ảnh 1Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/5, Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Pontian Gaciyubwenge, Ngoại trưởng Laurent Kavakure, và Bộ trưởng Thương mại Virginia Ciza.

Người phát ngôn của Tổng thống, ông Gervais Abayeho cho biết Tổng thống Nkurunziza đã bổ nhiệm luật sư Emmanuel Ntahonvukiye thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Gaciyubwenge, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Phi Alain Aime Nyamitwe làm tân Bộ trưởng Ngoại giao và bà Irina Inantore giữ chức Bộ trưởng Thương mại.

Ông Ntahonvukiye sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng dân sự đầu tiên ở Burundi trong vòng 50 năm qua.

Người phát ngôn Gervais Abayeho nêu rõ: "Theo Hiến pháp, Tổng thống có quyền thay đổi chính phủ... và ông cho rằng hiện là thời điểm thực hiện điều này."

Trong khi đó, bất chấp cảnh báo của chính phủ, ngày 18/5, lực lượng biểu tình chống Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza đã tiến hành các cuộc tuần hành mới, nối lại chiến dịch biểu tình kéo dài sau cuộc đảo chính bất thành hồi tuần trước.

Lực lượng biểu tình tuyên bố sẽ không chấm dứt biểu tình cho tới khi Tổng thống Nkurunziza không tranh cử nhiệm kỳ 3.

Căng thẳng leo thang khi Chính phủ Burundi đã triển khai binh sỹ khắp thủ đô Bujumbura - nơi hơn 20 người thiệt mạng trong suốt 3 tuần bất ổn trước khi diễn ra cuộc đảo chính thất bại hồi tuần trước.

Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng súng nổ suốt đêm ở một số khu vực của thành phố và một thi thể đã được phát hiện. Tuy nhiên, hiện chưa rõ lực lượng nào liên quan đến cái chết trên.

Trước đó, Mỹ đã yêu cầu toàn bộ công dân của mình sơ tán khỏi quốc gia Đông Phi này.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho biết ngày 17/5 Mỹ đã sơ tán khoảng 20 công dân Mỹ, 4 công dân Canada và một số công dân nước ngoài khác trên 3 máy bay thương mại tới quốc gia láng giềng Rwanda.

Washington cũng cảnh báo tình hình an ninh của Burundi rất khó đoán định, và căng thẳng chính trị có thể tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, Kenya đã kêu gọi Burundi hoãn tổ chức tổng tuyển cử để các nhà lãnh đạo khu vực có thể thảo luận với các đảng phái ở nước này về cách thức giải quyết khủng hoảng. Theo kế hoạch, Burundi sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 26/5 và bầu cử Tổng thống vào ngày 26/6.

Ngày 13/5 vừa qua, Burundi rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Thiếu tướng Godefroid Niyombare, người đã bị cách chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Burundi hồi tháng Hai vừa qua, tuyên bố lật đổ Tổng thống Nkurunziza, lúc đó đang tới nước láng giềng Tanzania.

Vụ việc trên là đỉnh điểm của nhiều tuần biểu tình đường phố phản đối nỗ lực của ông Nkurunziza nhằm nắm giữ vị trí tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ 3.

Tuy nhiên, lực lượng trung thành với tổng thống đã đập tan âm mưu đảo chính này và ông Nkurunziza đã quay trở về nước.

Hiện các tướng lĩnh tham gia đảo chính gồm 1 tướng cảnh sát và 2 tướng quân đội, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cyrille Ndayirukiye, đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, thủ lĩnh cuộc đảo chính, Thiếu tướng Niyombare vẫn đang bỏ trốn và đang bị lực lượng chức năng truy lùng.

Trước đó nhiều tháng, quốc gia Đông Phi này cũng đã liên tục chìm trong cẳng thẳng khi đảng Hội đồng quốc gia bảo vệ nền dân chủ - Các lực lượng bảo vệ nền dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền chọn Tổng thống Nkurunziza làm ứng viên tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 26/6 tới.

Phe đối lập cho rằng việc làm này vi phạm cả Hiến pháp và Thỏa thuận hòa bình và hòa giải Arusha, theo đó quy định tổng thống không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Burundi khẳng định ông Nkurunziza không vi hiến vì nhiệm kỳ đầu của ông do Quốc hội bầu, không phải do dân bầu trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục