Buýt nhanh BRT: ‘Liều thuốc thử’ của vận tải công cộng sẽ đi về đâu?

Sau hơn 5 năm đưa vào vận hành và khai thác, xe buýt BRT không là 'liều thuốc tiên' trị ùn tắc giao thông Thủ đô và kế hoạch mở mới các tuyến khác liệu có phá sản?

5 giờ chiều, giờ cao điểm, tuyến đường từ Lê Văn Lương đến Nguyễn Tuân (Hà Nội) luôn ùn tắc nếu không có lực lượng chức năng đứng điều tiết giao thông. Chen chúc trong những đám ùn tắc đó là những chiếc xe BRT vắng khách.

Mặc dù được gọi là buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn nhưng BRT lại đi tốc độ của xe buýt thường và số lượng hành khách mỗi chuyến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, BRT sử dụng phần đường cũ trên tuyến đường vốn đã thường xuyên ùn tắc, nhiều đoạn BRT lại đi chung hỗn hợp với các phương tiện khác.

Đã có nhiều đề xuất giải pháp gỡ vướng cho BRT, trong đó có việc cho xe buýt thường đi vào làn BRT. Tuy nhiên, điều này càng khiến giao thông thêm hỗn loạn vì điểm dừng chờ xe buýt thường bên phải đường. Đi vào làn BRT nghĩa là buýt thường sẽ cắt ngang dòng xe cộ.

[Hà Nội sắp vận hành 10 tuyến xe buýt điện thân thiện môi trường]

Để đi được BRT, người dân nếu không có cầu bộ hành sẽ phải băng cắt qua mặt đường để vào nhà chờ xe buýt. Bên cạnh đó, những trạm xe buýt thường nằm trên các tuyến đường chính và cố định, khiến người dân từ các địa điểm không gần đó muốn đến phải đi một quãng đường dài.

Hơn 10 năm trước, dự án BRT ra đời với kỳ vọng là phương tiện giao thông công cộng có sức chuyên chở lớn, vận hành liên tục, có khả năng thay thế phương tiện cá nhân, đạt tốc độ cao và trên hết là giảm ùn tắc giao thông. Với 5 mục tiêu rất rõ ràng nhưng sau 5 năm triển khai cả 5 mục tiêu đều không đạt được. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần suy xét lại mục tiêu vận hành của BRT trong tương lai./.

(Vietnam+)