"Ngày thứ Hai cân não"

Cả Hàn Quốc trải qua một "ngày thứ Hai cân não"

Hàn Quốc đã có ngày thứ Hai căng thẳng với không khí chiến tranh cận kề, khi quân đội nước này tập trận gần biên giới với Triều Tiên.
Hàn Quốc đã trải qua một ngày thứ Hai căng thẳng với không khí chiến tranh cận kề.

Việc quân đội Hàn Quốc quyết định tiến hành tập trận bắn đạn thật trên đảo YeonPyeong, nằm cách đường giới tuyến NLL trên biển Hoàng Hải với Bắc Triều Tiên chỉ hơn chục kilômét làm dấy lên lo ngại sẽ xảy ra thêm những đụng độ mới giữa quân đội hai miền Triều Tiên, đặc biệt sau cuộc nã pháo vào đảo YeonPyeong hôm 23/11, làm 4 người thiệt mạng.

Quan ngại của dân chúng không phải không có cơ sở bởi tuần trước, Hàn Quốc đã cho diễn tập dân phòng trên toàn quốc với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Bối cảnh tập diễn tập sơ tán, chống không kích. Còi báo động rú vang, tiếng máy bay ầm ào trên bầu trời Seoul, người dân nhanh chóng được dồn xuống các công trình ngầm. Nếu chỉ vào những hình ảnh đó, người ta thật sự có cảm giác, Hàn Quốc đã chính thức thành vùng chiến sự.

Tổng thống Lee Myung-bak ngày 20/12 đã ra lệnh cho công chức sẵn sàng trong tư thế của tình trạng khẩn cấp. Từ 9 giờ sáng ngày 20/12, một bầu không khí lo lắng lan tỏa trên các khu vực miền Bắc và Trung đất nước sau khi Hàn Quốc công bố quyết định vẫn tiến hành tập trận bắn đạn thật bất chấp sự đe dọa của Bắc Triều Tiên. Ngoài điểm nóng trực diện là 5 hòn đảo giáp giới tuyến trên vùng biển Hoàng Hải, trong đó có YeonPyeong, thủ đô Seoul, sân bay quốc tế Incheon là những mục tiêu được cho là bị đe dọa cao nhất.

Các kênh truyền hình YTN, KBS, MBC liên tục phát các bản tin đặc biệt với các hình ảnh các dàn hỏa tiễn nhả đạn, tàu chiến di chuyển, binh sĩ xung phong. Tin tức nói rằng quân đội đã triển khai tàu khu trục thế hệ Aegis mang tên "Sejong đại đế," trọng tải 6.700 tấn, trang bị tên lửa đất đối không và một tàu chiến khác với trọng tải 4.500 tấn tới Hoàng Hải, tăng cường thêm các vị trí pháo K-9 trên đảo YeonPyeong; đồng thời đặt các máy bay chiến đầu F-15K trong tình trạng sẵn sàng tại căn cứ ở thành phố Daegu.

Một quan chức quân sự cấp cao giấu tên nói rằng Hàn Quốc đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất để đối phó với bất cứ hành động khiêu khích nào có thể và đang giám sát chặt chẽ động thái của quân đội Triều Tiên.

Sự trì hoãn thời gian tập trận càng khiến tâm trạng người dân thêm bất ổn. Các chuyến bay cất cánh từ sân bay Incheon quanh khoảng thời gian 13 giờ ngày 20/12 đã bị hoãn khi có thông báo tập trận sẽ bắt đầu vào cùng thời điểm. Tiếp đó, thời điểm khai hỏa lại được hoãn đến 14 giờ 30. Đồng hồ điểm 14 giờ 30, người Hàn Quốc thở phào khi YTN, chạy dòng tít trích tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc rằng "thời gian tập trận bắn đạn thật sẽ diễn ra rất ngắn..."

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã có phiên giao dịch sụt giảm do tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư. Chỉ số chứng khoán KOSPI tính chung toàn phiên chỉ giảm 6,02 điểm, xuống còn 2.020,28 điểm song trong toàn phiên giao dịch có thời điểm KOSPI đã giảm tới gần 30 điểm, xuống 2.009, 39 điểm.

Tỷ giá trao đổi giữa won và USD cũng có thời điểm tăng vọt lên 1171 won/1USD so với giá kết thúc của phiên giao dịch cuối tuần trước là 1154 won/1 USD. Bộ Tài chính đã ra thông cáo khẳng định đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và có sự can thiệp kịp thời để ổn định thị trường trước những rủi ro địa chính trị do cuộc tập trận bắn đạn thật gây nên."

Cho dù người dân Hàn Quốc đã quá quen với những khẩu chiến, với các cụm từ ngữ đao to búa lớn kiểu mà các phương tiện thông tin đại chúng Hàn Quốc dùng suốt gần một tháng qua như chiến tranh trên đảo YeonPyeong, không kích YeonPyeong, hai miền bên bờ một cuộc chiến..v.v song trước cuộc diễn tập ngày hôm nay, chắc hẳn không một ai lại không có chút lo lắng.

Mối lo của người dân không phải không có cơ sở khi mà Triều Tiên lần đầu tiên kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh 1953 đã nã pháo vào đảo YeonPyeong, đảo có cư dân sinh sống. Cuộc đụng độ này gây sốc cho người dân Hàn Quốc bởi từ lâu họ vẫn có tâm lý tin tưởng rằng có chăng cũng chỉ là khẩu chiến và đụng độ trên biển giữa quân đội hai miền. Thêm vào đó, sự phản ứng chậm trễ và không hiệu quả của quân đội Hàn Quốc khiến người dân có cảm giác mất an toàn.

Nếu nhìn một cách có hệ thống, có thể thấy sự việc YeonPyeong như một nút thắt từ lâu đột ngột tuột ra. Bán đảo Triều Tiên từ hơn 2 năm qua đã luôn trong tình trạng căng thẳng ắt dẫn đến những bột phát. Nhiều nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng sự kiện YeonPyeong đơn thuần là mục tiêu chính trị của nhà lãnh đạo nước này, là một mũi tên trúng 2 đích: gia tăng sức ép với Hàn Quốc và Mỹ nhằm đạt lợi thế trong nối lại đàm phán 6 bên và củng cố nội bộ nhằm hoàn tất chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hành động của miền Bắc là sự cảnh tỉnh cho giới chức miền Nam về quy luật "già néo đứt dây." Việc Hàn Quốc kiên quyết chính sách cứng rắn, gắn viện trợ với phi hạt nhân, không thúc đẩy hợp tác kinh tế, không đàm phán với Bắc Triều Tiên trừ phi nước này có những động thái rõ ràng thực hiện cam kết hủy bỏ vũ khí hạt nhân, phối hợp với Mỹ và các đồng minh gia tăng cấm vận đã khiến nền kinh tế Bắc Triều Tiên vốn kiệt quệ trở nên tồi tệ hơn; đồng thời đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình trạng đối đầu nguy hiểm.

Cho dù cuộc tập trận đã kết thúc nhanh và không xảy ra đụng độ với Bắc Triều Tiên. Cho dù Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ra tuyên bố cho rằng cuộc tập trận bắn đạn thật ở YeonPyeong là hành động thích hợp nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước mà không ai có thể can thiệp. Song đúng như bình luận của một chuyên gia phương Tây trên mạng Daum, sự im lặng sau cơn bão có khi còn đáng sợ hơn nhiều. Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát nếu các bên thiếu kiềm chế và tiếp tục các hành động "ăn miếng trả miếng" lẫn nhau./.

Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục