Cà Mau: Bảo tồn vườn dâu Cái Tàu để phát triển du lịch sinh thái

Đến vườn dâu Cái Tàu, du khách có thể mắc võng nằm dưới tán dâu xanh mướt, nhấm nháp những trái dâu chín mọng thơm phức, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức những món ăn đồng quê hấp dẫn.
Cà Mau: Bảo tồn vườn dâu Cái Tàu để phát triển du lịch sinh thái ảnh 1Trong vườn dâu Cái Tàu. (Nguồn: camau.gov.vn)

Vườn dâu Cái Tàu (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) từ lâu vốn hấp dẫn nhiều du khách với trái dâu đặc sản của vùng Đất Mũi và độc nhất vô nhị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên, khoảng hơn chục năm trở lại đây, diện tích dâu đang bị thu hẹp dần do người dân chuyển sang nuôi tôm.

Vườn dâu Cái Tàu nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 30km về hướng Tây, có bề dày lịch sử hơn 100 năm. Hằng năm, từ tháng Tư cho tới hết tháng Sáu là mùa dâu chín rộ, là thời điểm các nhà vườn mở cửa đón khách tham quan. Lúc cao điểm, mỗi nhà có thể đón hàng trăm khách tới tham quan.

Đến vườn dâu, du khách có thể mắc võng nằm dưới tán dâu xanh mướt, nhấm nháp những trái dâu chín mọng thơm phức, nghe đờn ca tài tử và thưởng thức những món ăn đồng quê như cá lóc nướng trui, cá trê chiêng, cá rô kho tộ… rất hấp dẫn.

Dâu Cái Tàu-U Minh Cà Mau không chỉ cho vị ngọt, mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Hơn 100 năm trước, những người dân địa phương tìm được giống dâu đặc sản này ở đảo hoang và mang về trồng rồi nhân rộng ra. Ban đầu mỗi nhà trồng chỉ vài gốc dâu để ăn, sau đó, có nhiều hộ trồng cả hécta, đưa diện tích dâu trong xã lên tới gần 60ha.

Nhiều bà con trong xã cho biết, dâu có giá trị kinh tế cao 1kg có giá 20.000 đồng, một mùa dâu chín có thể cho thu nhập trên 40 triệu đồng/ha. Kết hợp với doanh thu từ du lịch nên cuộc sống của bà con nơi đây khấm khá và ổn định.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân đã tự ý chặt bỏ cây dâu để lấy đất nuôi tôm, từ đó diện tích dâu trong xã đã giảm 50%. Nguy cơ diện tích dâu trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Chính quyền ở đây cũng cho biết, nếu so sánh giữa trồng dâu với nuôi tôm thì hiệu quả kinh tế tương đương nhau, có điều, nuôi tôm 2-3 tháng đã cho thu hoạch, còn trồng dâu thì một năm chỉ có 1 vụ. Chủ trương của địa phương là ổn định vườn dâu Cái Tàu để phát triển nơi đây thành điểm du lịch sinh thái, ổn định vùng ngọt hóa.

Vấn đề này đã được nêu trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã. Tới đây, chính quyền sẽ tổ chức họp dân, nói rõ lợi ích của việc cần thiết phải duy trì vườn dâu có giá trị này.

Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh cho biết hiện tại chính quyền địa phương không chủ trương mở rộng diện tích dâu vì chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chỉ giữ ổn định diện tích như trước năm 2000 nhằm phát triển du lịch sinh thái.

Duy trì vườn dâu Cái Tàu là vừa nhằm bảo tồn loại cây ăn trái có giá trị, vừa nhằm phát triển du lịch, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Việc có một số hộ dân tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm là không phù hợp, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền để cho bà con hiểu để chấp hành chủ trương quy hoạch./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục