Cà Mau mỗi năm thiệt hại hàng chục tỷ đồng do sạt lở

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, hằng năm tỉnh Cà Mau chịu tổn thất hàng chục tỷ đồng do tình trạng sạt lở ven sông, đê biển.
Cà Mau mỗi năm thiệt hại hàng chục tỷ đồng do sạt lở ảnh 1Kè chống sạt lở ở Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Theo báo cáo kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, hằng năm tỉnh Cà Mau chịu tổn thất hàng chục tỷ đồng do tình trạng sạt lở ven sông, đê biển.

Cụ thể như vốn khắc phục sạt lở mỗi năm 15 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; huy động lượt người trực tiếp tham gia phòng chống sạt lở mỗi năm tương đương 5 tỷ đồng.

Thiệt hại tài sản, mùa màng ước tính lên tới chục tỷ đồng mỗi năm. Con số này chưa kể tới mỗi năm Trung ương đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp đê biển, ven sông. Cụ thể năm 2013 là 50 tỷ đồng, năm 2014 dự kiến là 100 tỷ đồng.

Đây là con số tính toán của các nhà khoa học dựa trên các cứ liệu hiện có, còn thực tế thì thiệt hại do hậu quả từ sạt lở lớn hơn rất nhiều. Thậm chí có những thiệt hại không chỉ tỉnh được bằng tiền nhưng tổn thất hết sức nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, cân bằng sinh thái, tâm lý của người dân, xáo trộn trong sinh hoạt dân cư, tổ chức sản xuất…

Tương tự như các địa phương Nam bộ, Cà Mau là vùng đặc thù có nhiều sông nước, nhưng riêng với tỉnh Cà Mau thì vừa có sông, vừa có biển. Đối với biển thì có bờ biển chiều dài lên tới 252km, trong nội địa thì có tất cả 10.000 con sông, rạch đan xen nhau ăn thông ra biển.

Theo báo cáo từ các huyện ven biển như Phú Tân, U Minh và Trần Văn Thời, tính từ đầu tháng 7 đến nay có 12km đê biển Tây và trên 100km đê sông bị sạt lở nghiêm trọng. Như vậy, chỉ chưa đầy một tháng sạt lở cũng đã gây thiệt hại lên tới chục tỷ đồng.

Dự báo đến năm 2030, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng sạt lở của Cà Mau sẽ tăng 4 lần so với hiện nay. Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch và được Chính phủ phê duyệt 5 chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng giai đoạn 2013-2020 với tổng kinh phí lên tới 5.000 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí nâng cấp đê biển lên tới 1.300 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, bày tỏ với những chủ trương và giải pháp chủ động, kịp thời, hy vọng thiệt hại về kinh tế do hậu quả của sạt lở sẽ dần được cải thiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục