Cà Mau: Người dân giao nộp hai đầu đạn có sức công phá lớn

Hai hộ dân đã tự nguyện giao nộp vật liệu nổ, gồm hộ ông Trần Văn Kỳ giao nộp một đầu đạn pháo 105 ly và hộ ông Trịnh Văn Kha giao nộp một đầu đạn 155 ly.
Cà Mau: Người dân giao nộp hai đầu đạn có sức công phá lớn ảnh 1Vụ nổ tại Cà Mau khiến mặt đất bị biến dạng, tạo thành hố lớn. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Ngày 3/10, Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau cho biết, sau khi vụ nổ đầu đạn xảy ra tại khóm 4, thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) làm 5 người thương vong, hai hộ dân cư ngụ gần nơi xảy ra vụ nổ đã đến cơ quan chức năng trình báo và tự nguyện giao nộp vật liệu nổ.

Hai hộ dân đã tự nguyện giao nộp vật liệu nổ, gồm hộ ông Trần Văn Kỳ giao nộp một đầu đạn pháo 105 ly và hộ ông Trịnh Văn Kha giao nộp một đầu đạn 155 ly.

Hai đầu đạn mà người dân vừa giao nộp là những loại đầu đạn có sức công phá rất lớn, còn sót lại sau chiến tranh.

[Vụ nổ đầu đạn ở Cà Mau: Ba người chết, hai người bị thương]

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau đã phối hợp với chính quyền địa phương làm thủ tục thu hồi hai đầu đạn do người dân tự nguyện giao nộp; đồng thời tổ chức thu gom, đưa vật liệu nổ đến khu vực cách ly an toàn để tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định.

Ở Cà Mau, hiện vẫn còn nhiều trường hợp sau khi phát hiện vật liệu nổ vẫn giữ lại trong nhà trong thời gian khá lâu mà không trình báo, giao nộp vật liệu nổ cho cơ quan chức năng.

Nhiều người chủ quan cho rằng đầu đạn đã mất tác dụng gây nổ nên đã để lại nhằm sử dụng trong hàn tiện và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Một số người đã tự ý cất giữ vật liệu nổ trong nhà, không trình báo và giao nộp cho cơ quan chức năng. Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khó lường hết hậu quả, gây tâm lý bất an cho cộng đồng.

Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chính quyền các địa phương ở tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền về việc chấp hành tốt các quy định của pháp luật về công tác quản lý, thu hồi, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức thu hồi và vận chuyển khoảng 3,5 tấn vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đến khu vực quản lý, cách ly an toàn.

Được biết, phần lớn số vật liệu nổ này là do người dân phát hiện được trong quá trình cải tạo đất sản xuất, xây dựng công trình, sau đó giao nộp cho cơ quan chức năng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục