Cà Mau, Sóc Trăng thiệt hại nặng do tôm chết nhiều

Tôm thả nuôi bị chết khiến nhiều nông dân hai tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng đang phải đối mặt với việc thua lỗ nặng trong vụ tôm đầu năm.
Tôm thả nuôi bị chết khiến nhiều nông dân hai tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng đang phải đối mặt với việc thua lỗ nặng trong vụ tôm đầu năm.

Tại tỉnh Cà Mau, ông Phạm Thanh Tùng, Trưởng Trạm khuyến nông-khuyến ngư huyện U Minh cho biết tình trạng dịch bệnh đang xảy ra ở tôm đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều nông dân phải chịu lỗ nặng khi tôm bệnh mà không thu hoạch kịp thời. Một số hộ dân tự mua thuốc về để xử lý nhưng không những tôm không khỏi bệnh mà còn phải tốn thêm khoảng chi phí tiền thuốc.

Ngoài ra, trong 2 năm trở lại đây, trong vuông tôm xuất hiện nhiều loại rong tảo, nhất là rong mền, rong đá và nhiều loại rong khác mọc dày đặc làm giảm năng suất và đây cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng tôm chết. Các loại rong tảo này là loại thân mềm và phát triển rất nhanh, trong thời gian đầu rong mới phát triển là thức ăn cho tôm, nhưng khi rong phát triển dày đặc thì người dân nóng lòng mua thuốc diệt rong về xử lý. Loại thuốc này nếu dùng đúng cách, đúng liều lượng thì đem lại hiệu quả, tuy vậy nếu xử lý thuốc không đúng cách sẻ gây thối và ô nhiễm nguồn nước gây tổn hại cho tôm.

Theo anh Võ Việt Hoa, khóm 3 thị trấn U Minh, tôm nuôi của gia đình anh được 65 ngày tuổi đang trong giai đoạn lớn và gần thu hoạch, nhưng hiện nay tôm chết và chỉ bán với giá 60.000 đồng/kg. Vụ đầu năm nay gia đình lỗ hơn 10 triệu đồng và tôm nuôi vụ sau sẻ còn gặp nhiều bất lợi hơn.

Trước tình trạng tôm bệnh chết và lây lan ra diện rộng, Phòng Nông nghiệp huyện U Minh khuyến cáo người nuôi tôm thường xuyên kiểm tra, nếu thấy hiện tượng tôm bệnh và chết thì thu hoạch ngay hoặc báo cho ngành chức năng kịp thời xử lý để giảm bớt thiệt hại. 

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến ngày 20/4, toàn tỉnh đã có trên 1.400ha tôm nước lợ (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) bị thiệt hại hoàn toàn, trong tổng số 10.500ha tôm đã thả giống (chiếm 13,3% diện tích thả nuôi). Các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn bị thiệt hại nhiều là huyện Vĩnh Châu với trên 780ha, huyện Mỹ Xuyên có gần 300ha và huyện Trần Đề có 270ha nuôi tôm bị thiệt hại...

Theo cán bộ Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng thì năm nay, nguyên nhân tôm chết ngoài diện tích tôm thả sớm trước lịch thời vụ bị thiệt hại trên 250 ha thì tôm bị thiệt hại do tác động môi trường, xuất hiện mưa trái mùa làm tôm mới thả bị "xốc" nước; ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ chênh lệch cao, xuống thấp vào ban đêm, trong khi ban ngày nắng nóng cũng là một nguyên nhân dễ dẫn đến tôm bị ảnh hưởng, bên cạnh đó cũng không loại trừ tình trạng nhiều lô hàng tôm giống nhập về không đảm bảo chất lượng.

Khắc phục tình trạng tôm chết tăng nhanh trong những ngày qua, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương và khuyến cáo bà con cần chú ý đến thời điểm thả tôm cho thích hợp, lựa chọn con giống tốt, ương cho tôm thích nghi với môi trường nước trước khi thả ra diện rộng. Với những diện tích tôm đã bị thiệt hại, cần cải tạo đúng theo quy trình kỹ thuật, không bơm nước, bùn ra đường nước nuôi tôm chung của cộng đồng.

Thực hiện công tác thí điểm bảo hiểm nuôi tôm, hiện Công ty Bảo Việt Sóc Trăng đã bán bảo hiểm được cho 420 hộ nuôi tôm, trên diện tích gần 267 ha, tổng số tiền là trên 2,76 tỷ đồng. Tuy mới triển khai nhưng công ty cũng đã chi trả bồi thường thiệt hại gần 100 triệu đồng cho 3 hộ nuôi tôm bị thiệt hại với tổng diện tích trên 2 ha tôm nuôi. Nhiều hộ nuôi tôm Sóc Trăng đang cân nhắc việc mua bảo hiểm nuôi tôm. Tỉnh đang khuyến khích người nuôi tích cực mua bảo hiểm cho tôm nuôi vì nếu có rủi ro thì người nuôi vẫn không bị trắng tay như những năm trước đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục