Cả nước có hơn 60.000 trẻ được học bơi miễn phí

Cả nước đã tổ chức được hơn 2.500 lớp học bơi, hơn 60.000 trẻ em đã được học bơi, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước miễn phí.
Chỉ sau 1 năm triển khai kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em, cả nước đã tổ chức được hơn 2.500 lớp học bơi, hơn 60.000 trẻ em đã được học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước miễn phí.

[Tăng cường việc phòng tránh tai nạn do đuối nước]

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết một năm triển khai kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012-2015 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 11/9.

Theo báo cáo của 63 địa phương, tình hình tử vong do đuối nước trẻ em đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2010 nhưng vẫn còn cao.

Năm 2012, khoảng 1.708 trẻ em tử vong do đuối nước trong tổng số 2.769 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 700 trẻ em tử vong do đuối nước và tập trung vào mùa hè. Đặc biệt, trong năm 2012-2013 chưa xảy ra các vụ đắm tàu thuyền nào làm nhiều trẻ em bị thiệt mạng.

Mặc dù số trẻ em tử vong vì đuối nước giảm nhưng mục tiêu của kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em là  đến năm 2015 giảm được 1/4 số trẻ bị tử vong do đuối nước năm 2010 (hơn 3.000 trẻ) đang đặt ra nhiều thách thức đối với các bộ, ngành và địa phương.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, để trang bị cho trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước thì việc dạy bơi cho trẻ em đã được triển khai tại một số tỉnh. Tuy nhiên, việc dạy bơi cho trẻ em chưa được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương. Các trường học lại không đủ điều kiện, cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tiểu học và trung học cơ sở. Thiếu các khóa tập huấn, tài liệu hướng dẫn sơ cứu khi bị đuối nước và các kỹ năng an toàn khi tiếp xúc nước.

Mặt khác, trong khi đa số các địa phương đều đã có phương án triển khai kế hoạch liên tịch phòng chống tai nạn đuối nước giai đoạn 2012-2015 nhưng lại không có đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em này.

Đặc biệt, nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng chưa được loại bỏ dẫn đến còn nhiều trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Jesper Moller, Quyền trưởng đại điện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thật đáng buồn là trẻ em chết vì đuối nước ngay gần nơi các em sinh sống, vui chơi vì lý do đơn giản là các em không được người lớn giám sát, chăm sóc đầy và cũng thiếu các biện pháp bảo vệ an toàn khác.”

Theo ông Jesper Moller, việc điều chỉnh môi trường sinh sống nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ đuối nước với trẻ nhỏ và xây dựng kỹ năng bơi cho các em là rất quan trọng.

“Ở Việt Nam, mỗi ngày có 10 trẻ em tử vong vì đuối nước trong khi vấn đề này hoàn toàn có thể ngăn chặn, phòng chống và đòi hỏi những can thiệp có thể thực hiện được. Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đuối nước là một trong những ưu tiên ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực.”

Đồng tình với quan điểm này, ông Takenshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng đuối nước là có thể phòng tránh được. Nhiều chiến lược phòng ngừa đã và đang được thực hiện tại Việt Nam đang đem lại hiệu quả tốt như việc dạy bơi an toàn tại Đà Nẵng, làm nắp đậy giếng và rào chắn quanh ao ở Hải Dương và Nam Định. Tuy nhiên, các hoạt động phòng tránh này vẫn còn hạn chế so với những nguy cơ hiện nay. Giải quyết thách thức này cần có sự cam kết lâu dài của nhiều bên liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ theo chiến lược toàn diện và rõ ràng./.
Theo khảo sát tai nạn thương tích trẻ em năm 2010 ở Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 0-18 tuổi. Đối với nhóm trẻ em dưới 15 tuổi, đuối nước vẫn xếp số 1 trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em.

Việt Nam là nước có tỷ suất tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục