"Cà phê cổ vật" giữa lòng thủ đô Hà Nội

Nhiều người tìm đến quán “Café art” ở số 75 phố Quán Thánh, Hà Nội không chỉ đơn thuần uống cà phê mà còn để chiêm ngưỡng cổ vật...
Nhiều người tìm đến quán “Café art” ở số 75 phố Quán Thánh, Hà Nội không chỉ đơn thuần uống cà phê mà còn để chiêm ngưỡng những cổ vật ông chủ Nguyễn Trường đã sưu tầm được.

Bất kể trời nắng hay mưa, quán cà phê của ông Trường tóc bạc ngày nào cũng nườm nượp khách. Các câu chuyện ở đây cũng chỉ xoay quanh đến cổ vật...

Gần 10 năm tồn tại, quán cà phê của ông Trường đã trở thành nơi tụ họp không chỉ của giới chơi đồ cổ mà còn của cả giới văn nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật. Nhiều tay chơi cổ vật ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, rồi cả Long An, Cà Mau... mỗi lần ra Hà Nội cũng tìm đến quán của ông.

Quán của ông chỉ có những cái bàn và hàng ghế gỗ kê xung quanh như phòng khách nhà riêng. Nhưng có một điều khác biệt, tất cả bàn ghế và những vật dụng trong quán ấy đều là đồ cổ.

Nhiều người nghĩ ông Trường mở quán cà phê dường như chẳng phải để kinh doanh vì biết ông chẳng lời lãi được bao nhiêu từ cái quán cà phê ấy. Nếu cho thuê căn nhà ấy thì mỗi tháng ông cũng bỏ túi hàng chục triệu đồng.

Kể về cái thú sưu tập cổ vật, ông Trường bảo, hồi còn nhỏ ông vốn là người mê hội họa, mỗi lần các họa sĩ đến nhà chơi, hoặc vẽ tranh với cụ thân sinh, ông đều nấp đằng sau tấm bình phong ở mé cửa nghe lỏm chuyện.

Một hôm, đang nấp sau tấm bình phong, ông giật nảy người khi nghe tiếng một họa sĩ gọi: “Thằng cu Trường đâu, vào đây, đừng thập thò ngoài đó nữa”.

Thế là từ đó, ông bắt đầu được các họa sĩ bậc thầy chỉ bảo các đặc điểm của họa tiết, hoa văn từng niên đại.

Từ khi biết phân biệt hoa văn từng niên đại, cậu bé Trường ngày ấy bắt đầu say mê các thứ đồ cũ. Một hôm đến nhà người bác ruột ở phố Hàng Gai, thấy có cái đĩa trông có vẻ cũ kỹ vứt chỏng chơ dưới gầm giường, cậu liền móc ra ngắm nghía một lúc thì phát hiện ra đó là một chiếc đĩa Celadon cổ.

Cậu hỏi sao bác lại vứt cái đĩa quý như thế ở dưới gầm giường, người bác liền bảo: "Cháu thích thì cứ lấy đi". Đó là món đồ cổ đầu tiên mà ông có được.

Lại có lần, nghe người quen mách trên Hà Giang có bán những xô đồng cổ, ông hăm hở lên thị xã Hà Giang rồi bắt xe khách lên tận miền rừng heo hút. Nhưng lên đến nơi, ông mới phát hiện ra những chiếc xô đồng đó toàn là đồ giả cổ.

Trong chuyến đi "săn" hụt đó, ông phát hiện ra kỹ nghệ làm giả cổ tinh xảo đến mức có lò nuôi cả con hà cho bám vào món đồ, đến khi mang bán có cả xác hà bám trên đó, nhiều người tưởng là cổ vật thật mà mua về.

Chưa hết, ông Trường còn đến tận thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, lần mò hỏi người bản địa về chợ Sole chuyên bán đồ cũ tìm mua cổ vật.

Bộ sưu tập chuyên về lư của ông Trường có tới hàng chục chiếc bằng các chất liệu khác nhau, đủ cả gốm, đồng, gỗ, đất nung. Mỗi chiếc lư mang đậm dấu ấn văn hóa của một thời, từ nét hoa văn thô sơ đến tinh xảo trải dài suốt dọc các triều phong kiến Lý, Lê, Trần, Nguyễn...

Trong bộ sưu tập ấy, có cả chiếc lư bằng sành vẽ các loài thủy tộc thô sơ, bộ 2 chiếc lư bằng đất nung không màu, không men, rồi cả bộ lư 2 con nghê được làm từ đất Thổ Hà với men nâu đặc trưng...

Trong căn phòng trên gác ba của ngôi biệt thự cổ còn có những chiếc bình gốm, đĩa, âu... từ triều đại nhà Trần; các bộ đồ sứ ký kiểu từng được các vua chúa Việt Nam đặt làm từ bên Trung Hoa mang về dùng trong cung phủ và cả những chiếc lọ, đĩa quân, dầm, đĩa tống của chính các triều đại phong kiến Trung Hoa xưa.

Chiếc tủ kính to đặt ngay ngắn trong góc nhà bày la liệt các loại cổ vật có niên đại từ thời Trần, Lê thuộc vào loại cổ vật đắt giá hiện nay như chân đèn bằng đồng thời Trần hoặc chiếc dao đồng từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn và những sản phẩm gốm Chu Đậu...

Dọc bậc thang lên sảnh tầng 2 là bộ sưu tập chó đá từ các triều đại Trần, Lê.

Mọi người vẫn gọi ông Trường bằng cái tên thân thuộc “Trường tóc bạc” vì tóc ông bạc trắng. Giới chơi cổ vật thì mệnh danh cho ông là “Đệ nhất tay chơi cổ vật amatơ đất Hà Thành”.

Ông Nguyễn Trường hiện là hội viên Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam. Nhiều cổ vật do ông sưu tầm đang được trưng bày tại Thành cổ Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục