Cá sấu nuôi nhốt nặng hơn một tấn đạt kỷ lục thế giới

Tổ chức Guinness thế giới đã công nhận con cá sấu Lolong nặng hơn 1 tấn, được nuôi nhốt ở miền Nam Philippines, là lớn nhất thế giới.
Guinness World Records vừa công nhận con cá sấu Lolong nặng hơn 1 tấn - đã nhiều lần tấn công gây chết người ở miền Nam Philippines - là con cá sấu lớn nhất thế giới trong điều kiện nuôi nhốt.
Cá sấu nuôi nhốt nặng hơn một tấn đạt kỷ lục thế giới ảnh 1
Sự kiện này mang lại niềm tự hào, doanh thu du lịch, sự chú ý lẫn nỗi sợ hãi cho một thị trấn nhỏ bé và xa xôi ở miền Nam Philippines. Phát ngôn viên Guinness World Records, Anne-Lise Rouse cho biết con cá sấu nước mặn nói trên bị bắt hồi tháng 9/2011 tại thị trấn Bunawan, tỉnh Agusan del Sur, dài 20,24 feet (6,17 mét) và nặng hơn một tấn. Với kích thước này, Lolong đã soán ngôi kỷ lục trước đó của một con cá sấu Australia, dài trên 17 feet (5 mét) và nặng gần một tấn. Thị trưởng Bunawan, Edwin Cox Elorde cho biết có tin nói rằng trong trang trại nuôi tới 37.000 con cá sấu của ông có thể còn có những con cá sấu khổng lồ khác như Lolong còn ẩn nấp trong những con lạch hay đầm lầy gần các khu làng của những người đánh cá. Ông nói rằng việc Lolong được công nhận kỷ lục của Guinness đã đem lại cho ông “những cảm xúc lẫn lộn," vừa tự hào vì sự đa dạng sinh học phong phú của Bunawan, vừa lo ngại rằng còn có nhiều Lolong khác. Kể từ khi bị bắt giữ, Lolong đã trở thành “ngôi sao” thu hút hàng ngàn du khách đến với khu du lịch sinh thái và trung tâm nghiên cứu ở vùng ngoại ô Bunawan - nơi ở mới của nó. Thị trưởng Edwin Cox Elorde nói rằng chỉ riêng tiền vé vào cửa (khá rẻ) để chiêm ngưỡng Lolong đã đem lại cho ngân sách địa phương 3 triệu peso (72.000 USD), và hầu hết số tiền này được sử dụng để nuôi, chăm sóc Lolong và bảo trì công viên. Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Philippines, Ramon Paje, nói ông sẽ đề nghị chính phủ giúp đỡ Bunawan bảo tồn đa dạng sinh học và trở thành một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn. Năm 2009, Lolong đã bị người dân địa phương dùng bẫy cáp thép bắt được sau ba tuần nó tấn công giết chết một em nhỏ và làm một ngư dân bị mất tích, chưa kể hàng loạt các vụ gia súc chăn thả bị tấn công. Phải đến 100 người, trong đó có cả Thị trưởng Edwin Cox Elorde, mới có thể dùng dây thừng trói chặt được Lolong để dùng cần cẩu đưa lên xe tải. Một nhân viên môi trường tham gia chiến dịch truy bắt cá sấu đã bị chết vì đột quỵ và cái tên Lolong của ông được đặt cho con cá sấu khổng lồ này./.
Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục