Cả xã hội cùng hướng nghiệp cho học sinh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để phân luồng học sinh hiệu quả cần tới sự chăm lo của toàn xã hội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để phân luồng học sinh hiệu quả cần tới sự chăm lo của toàn xã hội.

Tại hội thảo trực tuyến "Các giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông" do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tại 6 điểm Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/9, Phó Thủ tướng cho rằng các địa phương cần rà soát lại chương trình hướng nghiệp sao cho phù hợp thực tế nhu cầu của học sinh.

Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng cần đặc biệt quan tâm để giúp người dân hiểu rõ nhu cầu thực tế của xã hội, tầm quan trọng của lao động phổ thông có chuyên môn kỹ thuật cao.

Theo Phó Thủ tướng, để thu hút hơn nữa học sinh học nghề, học sinh lớp 9 khi theo học nghề sẽ được giảm học phí 50%; học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số được miễn 100% học phí.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần công khai tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp có việc làm để học sinh yên tâm theo học. Đặc biệt, cơ sở nào có tỷ lệ đào tạo theo địa chỉ từ 30% trở lên sẽ được ưu tiên đầu tư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải tăng cường hỗ trợ cho ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp để mỗi doanh nghiệp trở thành đơn vị hướng nghiệp với nhiều hoạt động thiết thực (nhận học sinh tới tham quan, thực tập, tham gia đặt hàng các cơ sở đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo...)

Mỗi năm Việt Nam có trên 400.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không vào học trung học phổ thông và chỉ một phần trong đó có thể học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên hoặc các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp.

Tính thêm số học sinh bỏ học trung học phổ thông, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, trượt đại học, cao đẳng..., mỗi năm có hàng trăm nghìn thanh thiếu niên “nhàn rỗi”. Đây là sự lãng phí lớn cho xã hội cả về sức lực, trí tuệ, tiền bạc và thời gian và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ phân luồng hiện nay vẫn còn thấp, cụ thể như tại Đồng bằng sông Cửu Long, năm học 2007-2008 chỉ có gần 3,6% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề và trung học chuyên nghiệp. Nguyên nhân do nhận thức của người dân và xã hội với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều học sinh và gia đình không lượng sức học, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội để lựa chọn học nghề từ sớm.

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng khả năng liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học khác còn gặp nhiều khó khăn là một nguyên nhân quan trọng cản trở sự phân luồng.

Nội dung các môn văn hóa dạy trong các trường trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp không thích hợp với trình độ dẫn đến tình trạng học sinh hệ trung cấp nghề bỏ học chỉ sau vài tháng, có nơi tới 40%.

Thêm vào đó, giáo dục trung học phổ thông phát triển cả về số lượng và chất lượng trong khi hệ thống các cơ sở đào tạo sau trung học lại không đáp ứng đã dẫn đến sự "dồn toa" lớn.

Các đại biểu đã nêu kinh nghiệm của một số địa phương như Bắc Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Đắk Lắk... Các tỉnh này đã sáp nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên để phát huy sức mạnh tổng hợp của các trung tâm; tăng hiệu quả đào tạo để thu hút học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An kết hợp cho học sinh trung học chuyên nghiệp học chương trình bổ túc văn hóa và chương trình chuyên môn để khi ra trường có cả bằng bổ túc trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp.

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh trợ cấp 140.000 đồng/tháng/học sinh cho học sinh các xã khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục