Các bên tham chiến ở Libya tái khởi động đối thoại hòa bình

Ngày 20/3, đại diện các bên tham chiến ở Libya đã tái khởi động cuộc đối thoại hòa bình tại thành phố Skhirat của Maroc trong nỗ lực nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết.
Các bên tham chiến ở Libya tái khởi động đối thoại hòa bình ảnh 1Các tay súng thuộc lực lượng Bình minh Libya tại doanh trại Um Shwaisha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/3, các bên xung đột tại Libya đã nối lại đàm phán hoà bình tại thành phố Skhirat của Maroc nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Theo Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL), các bên sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề đã được bàn thảo tại vòng đàm phán trước đó hôm 13/3.

Cụ thể, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HoR) và Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn) sẽ cố gắng thành lập "một chính phủ đoàn kết dân tộc thống nhất" nhằm chấm dứt sự chia sẽ trong chính quyền, cũng như triển khai các biện pháp an ninh nhằm chấm dứt giao tranh.

Tuy nhiên, xung đột vẫn tiếp tục leo thang tại Libya. Ngày 19/3, các máy bay chiến đấu của chính phủ được phe Hồi giáo hậu thuẫn hiện đang kiểm soát thủ đô Tripoli, đã oanh kích thị trấn miền Nam Zintan, một thành trì của chính phủ được quốc tế công nhận, hiện đang làm việc ở Tobruk.

Đáp lại, chính quyền tại Tobruk cũng điều các máy bay ném bom nhằm vào sân bay Mitiga tại Tripoli, khiến phái đoàn từ Tripoli sang Maroc để tham gia đối thoại, bị chậm lại.

Còn tại thị trấn Bir al-Ghanam, cách Tripoli 90km về phía Tây Nam, số người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh đẫm máu giữa hai phe đối địch đã tăng lên 26 người.

UNSMIL đã lên án trình trạng leo thang bạo lực tại quốc gia Bắc Phi này, đồng thời coi các các vụ tấn công trên là hành động "phi lý và thiếu thận trọng."

Ba năm sau làn sóng chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.

Xung đột đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 120.000 người phải sơ tán, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái đối lập ở Libya. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục