Các bên xung đột tại Libya nối lại vòng đàm phán thứ hai

Các phe phái xung đột ở Libya đã nối lại vòng đàm phán thứ hai nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài bốn năm qua tại quốc gia Bắc Phi này.
Các bên xung đột tại Libya nối lại vòng đàm phán thứ hai ảnh 1Các tay súng thuộc lực lượng Bình minh Libya tại khu vực Bir al-Ghanam, Libya. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 13/4, các phe phái xung đột ở Libya đã nối lại vòng đàm phán thứ hai tại Thủ đô Algiers của Algeria nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài bốn năm qua tại quốc gia Bắc Phi này.

Cuộc đối thoại do Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) bảo trợ, với mục tiêu thúc đẩy các bên ở Libya đi đến một giải pháp đồng thuận hướng tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp và dàn xếp an ninh.

Cuộc đối thoại có sự tham gia của đại sứ các nước láng giềng và đại diện thường trực của Liên hợp quốc tại Algeria.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Phi và châu Phi của Algeria, ông Abdelkader Messahel đã khẳng định kẻ thù của Libya là chủ nghĩa khủng bố và xung đột tại quốc gia này, đồng thời kêu gọi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và hòa giải tại Libya.

Về phần mình, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Đại diện UNSMIL Bernardio Leon khẳng định chỉ có giải pháp chính trị mới giúp cho Libya khôi phục lại hòa bình và ổn định đất nước.

Nhân dịp này, ông Leon cũng kêu gọi các bên xung đột tại Libya hãy tham gia tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc và Algeria bảo trợ.

Đặc phái viên Liên hợp quốc cũng đã hoan nghênh sự hợp tác tích cực của Algeria trong việc giải quyết xung đột tại Libya.

Trước đó, trong hai ngày 10 và 11/3 vừa qua, cuộc đối thoại giữa các phe phái xung đột ở Libya cũng đã diễn ra tại Thủ đô Algiers.

Cuộc đối thoại có sự tham gia của 15 nhân vật chủ chốt ở Libya.

Tại cuộc họp này, các bên tham dự đã bác bỏ mọi sự can dự của nước ngoài và cam kết tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya nhằm bảo vệ chủ quyền, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ.

Cuộc xung đột tại Libya gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, làm ít nhất 120.000 người phải ly tán, đẩy nước này vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng.

Từ tháng Chín năm ngoái, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái đối lập ở Libya.

Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục