Các bệnh không lây nhiễm là mối đe dọa của châu Á

Chuyên gia cho rằng tình trạng gia tăng nhanh của các bệnh không lây nhiễm và các loại bệnh mới như SARS, cúm gia cầm đang đe dọa châu Á.
Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới khu vực châu Á năm 2013 đang diễn ra tại Singapore trong hai ngày 9-10/4, với 120 chuyên gia hàng đầu về y tế trình bày tham luận về cách thức cải thiện việc tiếp cận chăm sóc y tế, đặc biệt tại châu Á.

Dự hội nghị có hơn 900 đại biểu đến từ 46 nước trên thế giới.

Các bài tham luận tại hội nghị lần này với chủ đề “Sức khỏe vì sự phát triển bền vững tại châu Á,” tập trung vào bốn lĩnh vực là ảnh hưởng của y tế đối với các nền kinh tế châu Á, những phát minh trong lĩnh vực y tế tại châu Á, hỗ trợ tài chính về chăm sóc y tế tại châu Á và những mối đe dọa về y tế đang nổi lên tại châu Á.

Nhiều chuyên gia cho rằng mối đe dọa lớn đối với châu Á hiện nay là tình trạng gia tăng nhanh của các bệnh không lây nhiễm và các loại bệnh mới như SARS, cúm gia cầm và cúm lợn.

Theo các chuyên gia, suy dinh dưỡng, mắc bệnh lây nhiễm từ khi còn nhỏ tuổi và bất ổn tâm thần là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Thay đổi lối sống để thích nghi với môi trường toàn cầu hóa và đô thị hóa cũng làm các bệnh không lây nhiễm nặng thêm.

Mỗi năm có hơn 60% người chết do mắc các bệnh không lây nhiễm và nguy cơ cao nhất là huyết áp cao và béo phì. Một mối đe dọa khác cũng đang gia tăng ở châu Á, đó là các loại bệnh lây nhiễm do phá rừng và sự tiếp xúc ngày càng tăng giữa con người với động vật hoang dã.

Các chuyên gia đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu, y khoa, học thuật và hoạch định chính sách trong các lĩnh vực liên quan tới chăm sóc y tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Các hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ bệnh dịch, chia sẻ thông tin và hợp tác xuyên biên giới trong khống chế lây nhiễm vẫn rất cần thiết để chống lại mối đe dọa của các bệnh lây nhiễm."

Thủ tướng kêu gọi các nước tăng cường hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức y tế khác để cùng nhau chống lại các dịch bệnh trong tương lai.

Theo Thủ tướng Singapore, Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là các diễn đàn quốc tế hữu ích để chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe và chuyên môn.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng chống các bệnh lây nhiễm, và đến năm 2018 nước này sẽ khánh thành một bệnh viện chuyên trách đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.

Phát biểu với báo giới, giáo sư John Wong, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới năm 2013, cho rằng chủ đề “Sức khỏe vì sự phát triển bền vững tại châu Á” nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động cảnh báo và đối phó với các vấn đề về sức khỏe, cho đây là nhân tố chính đối với sự phát triển năng động liên tục tại các nền kinh tế châu Á./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục