Các bước 'táo bạo' để Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên?

Những bước đi "táo bạo" đó sẽ là gì? Có ba bước mở đầu có thể thay đổi bầu không khí hiện này và đem lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa cho cả Mỹ-Triều Tiên.
Các bước 'táo bạo' để Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 28/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin foreignpolicy, sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2 vừa qua, sự lạc quan rằng hai bên vẫn có thể đạt một thỏa thuận chấp nhận được đã không còn nhiều.

Trong một cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã nhắc lại điều ông từng nói tại Hà Nội: "Chúng ta đang nói về thỏa thuận lớn... chúng ta phải loại bỏ vũ khí hạt nhân."

Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội đã không đem lại kết quả mà Tổng thống Trump mong muốn và cuối cùng chỉ giống như một bài học khắc nghiệt về sự hạn chế của hoạt động ngoại giao tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh.

Tuy nhiên, hội nghị này có một tác dụng, đó là các cuộc thảo luận giữa các quan chức của cả hai phía ở cấp chuyên viên, mặc dù không đem lại một thỏa thuận, nhưng đã tạo ra bước khởi đầu cho thứ có thể được "gọt giũa" để trở thành một thỏa thuận mà lãnh đạo của cả hai nước có thể chấp nhận được.

Bản thân ông Trump cũng đã nói sau cuộc gặp với Tổng thống Moon: "Có rất nhiều những thỏa thuận nhỏ hơn có lẽ đã có thể đạt được."

['Triều Tiên đã gợi ý phá bỏ hoàn toàn tổ hợp hạt nhân Yongbyon']

Phát biểu tại Hội nghị Nhân dân Tối cao (Quốc hội) hồi tuần trước, ông Kim Jong-un đã nhấn mạnh rằng ông "không có ý định lặp lại một cuộc gặp thượng đỉnh giống như cuộc gặp được tổ chức tại Hà Nội."

Thay vào đó, ông Kim Jong-un nói với cơ quan lập pháp của ông rằng bất kỳ "cuộc đàm phán nào trong tương lai" phụ thuộc vào "quyết định táo bạo của Mỹ" về việc "từ bỏ tính toán hiện nay của nước này và tiếp cận Triều Tiên bằng một lập trường mới," và sẽ đòi hỏi "một hệ phương pháp cụ thể có thể chia sẻ với phía Triều Tiên."

Vậy những bước đi "táo bạo" đó sẽ là gì? Có ba bước mở đầu có thể thay đổi bầu không khí hiện này và đem lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa cho cả hai bên.

Đầu tiên, cần nâng đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun lên thành đặc phái viên của tổng thống, chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp cho Tổng thống Trump.

Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa đáp lại những lời kêu gọi của Washington về việc tiến hành các cuộc đàm phán cấp làm việc, và muốn đối thoại trực tiếp với duy nhất Tổng thống Trump.

Đưa ông Biegun lên thành đặc phái viên của tổng thống sẽ cho thấy phía Mỹ nghiêm túc hơn và thể hiện rõ ràng với Bình Nhưỡng rằng ông Biegun là tiếng nói đại diện của Tổng thống Trump với tư cách là người được chỉ định chính thức, cũng giống như Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người được Trump bổ nhiệm chịu trách nhiệm về đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Động thái này sẽ giúp các hoạt động ngoại giao trở nên dễ dàng hơn.

Thứ hai, Mỹ nên quay trở lại Liên hợp quốc và tìm kiếm một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an - cho phép đình chỉ một số lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên, tương xứng với những bước đi được xác minh của Triều Tiên trong việc gỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này - nhưng với điều khoản nêu rõ rằng các biện pháp gây sức ép tối đa sẽ tự động quay trở lại nếu Bình Nhương gian lận hoặc không thực hiện.

Sự thỏa hiệp này sẽ giúp Washington vượt qua lo ngại về việc sẽ mất đi sức ép đối với Triều Tiên, bằng cách cho phép Mỹ linh hoạt trong việc nới lỏng trừng phạt - điều mà Triều Tiên vô cùng mong đợi - mà không bị mất toàn bộ khả năng gây tác động tới Triều Tiên. Theo một số các nhà ngoại giao, Moskva và Bắc Kinh sẽ không phản đối một nghị quyết như vậy.

Thứ ba, nhằm tạo thêm động lực cho các hoạt động ngoại giao của Liên hợp quốc, Mỹ nên đề xuất một cơ chế ba bên Mỹ-Trung Quốc-Nga nhằm tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên. Bất kỳ nghị quyết nào đều cần sự tham gia và ủng hộ của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có thể giám sát và xác minh các cơ sở và vật liệu có thể chiết tách, nhưng cơ quan này chỉ có thể hỗ trợ việc tháo gỡ và loại bỏ các vật liệu có thể chiết tách và vũ khí hạt nhân.

Mỹ và Nga đã có nhiều kinh nghiệm quan trọng trong việc tháo gỡ vũ khí hạt nhân vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Một cơ chế ba bên như nói ở trên sẽ thu hút được sự chú ý của Kim Jong-un và có khả năng tạo ra ảnh hưởng.

Đồng thời, Mỹ nên bắt đầu lên kế hoạch cho một cơ chế hợp tác Mỹ-Nga-Hàn Quốc-Triều Tiên nhằm đào tạo lại và tận dụng các nhà khoa học, kỹ thuật viên và kỹ sư hạt nhân của Triều Tiên để họ không tìm tới Iran, Syria hay bất kỳ nơi nào khác.

Một khi những bước đi kể trên được thực hiện, điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán cấp chuyên viên thành công sẽ được xây dựng trên đề xuất của Triều Tiên về việc gỡ bỏ toàn bộ cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Khu phức hợp này gồm hơn 200 tòa nhà, bao gồm một chu trình sản xuất nguyên liệu hạt nhân đầy đủ, và một cơ sở làm giàu uranium bí mật gọi là Yongbyon+.

Ông Biegun từng nói trong một bài phát biểu tại Đại học Standford trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, đội ngũ của Tổng thống Trump tại Hà Nội hướng tới mục tiêu tạo ra "tiến triển quan trọng và có thể xác minh" và tránh những sai lầm mà các chính quyền tiền nhiệm mắc phải - đó là bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán vô tận không có kết quả.

Một thỏa thuận thực sự sẽ cần nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố kiểm kê toàn bộ các cơ sở và vật liệu hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nếu không có điều này, sẽ không có cách nào để biết được liệu Triều Tiên có thực sự phi hạt nhân hóa hay không. Để dễ dàng hơn cho ông Kim, việc tuyên bố và thực hiện có thể được chia ra làm nhiều giai đoạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục