Các cơn “sóng ngầm” lãi suất liệu có tiêu tan?

Ngay sau khi có thông tin sẽ thanh tra các tổ chức tín dụng có mức lãi suất huy động 12%/năm, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm.

Trong một động thái khác, bà Dương Thu Hương cũng cho hay Hiệp hội Ngân hàng đang tích cực vận động các ngân hàng thương mại giữ ổn định mặt bằng lãi suất.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thanh tra các tổ chức tín dụng đưa ra mức lãi suất huy động 12%/năm, một số ngân hàng đã ngay lập tức có động thái điều chỉnh giảm. Tại Ngân hàng Việt Á, lãi suất cao nhất chỉ còn 11,5%/năm, HDBank 11,4%/năm...

Cùng với đó, báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế  giới (WB) mới nhất cũng nhận định, lãi suất sẽ tiếp tục có xu hướng giảm, khi Ngân hàng Trung ương duy trì các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Dậy sóng vì ngầm phá thỏa thuận

Trong một diễn biến trước đó, một số ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất huy động VND, áp sát ngưỡng 12%/năm, vượt so với mức thỏa thuận 11,5% trước đó giữa các ngân hàng thương mại với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.

Bùng nổ gần như đầu tiên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), áp dụng lãi suất kỳ hạn từ 6-13 tháng đồng loạt áp mức 11,6%/năm.

Tiếp theo đến là Ngân hàng Đệ Nhất 11,6%/năm, nhưng nếu gửi số tiền lớn khoảng 200-300 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng trở lên sẽ được trả lãi suất lên đến 12%/năm. Đáng  chú ý, cao nhất  là Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga với mức lãi suất 11,99% áp dụng cho kỳ hạn gửi 12 tháng...  

Không chỉ tăng lãi suất, một số ngân hàng còn “lách” bằng nhiều hình thức khuyến mãi khác như thưởng tiền, thưởng lãi suất.

Như vậy, sau hơn một tháng (giữa tháng 4) bằng nhiều biện pháp từ điều hành chính sách đến các ngân hàng tự đồng thuận, lãi suất đã giảm từ gần 12% xuống 11,5%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, lãi suất đã tăng vượt trần trở lại tại một số ngân hàng, mặc dù đã có thỏa thuận.

Đây cũng phải là lần đầu tiên các ngân hàng thương mại tự ý bỏ các cam kết đã thỏa thuận. Nếu nhìn về thời điểm gần đây nhất, cũng vào tháng 5/2009, các ngân hàng thương mại cũng đã đồng thuận giữ lãi suất ở mức 11,5%/năm, kể cả bao gồm các hình thức khuyến mãi. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, chính các ngân hàng từng cam kết đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất...

Lý giải cho quyết định tăng lãi suất, Tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần nói thẳng: Không ngân hàng nào muốn tăng lãi suất huy động, chưa kể việc tăng lãi suất sẽ đi ngược lại chủ trương của Chính phủ. “Thế nhưng không tăng thì khó giữ được nguồn vốn bởi khách hàng đặc biệt là các doanh nghiệp đòi lãi suất cao hơn nhiều so với mức 11,5%/năm mà Hiệp hội Ngân hàng khuyến cáo,” vị Tổng giám đốc giấu tên này cho hay.

Nhiều ngân hàng nhỏ cũng thừa nhận, huy động vốn từ dân cư hiện nay rất khó vì kinh doanh bắt sôi động trở lại. Các ngân hàng không chỉ cạnh tranh với nhau để thu hút vốn mà còn cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… Vì thế, lãi suất chỉ có tăng lên. Các ngân hàng thương mại khó mà có được sự đồng thuận như trước đây.

Sẽ cắt cơn sóng ngầm?

Lý giải về việc một số ngân hàng lại tiếp tục tăng lãi suất huy động trong những ngày vừa qua, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phân tích: “Thứ nhất, trong các tháng 12/2009, tháng 1 và tháng 2/2010, CPI có biểu hiện tăng, tâm lý thị trường tăng cao nên người gửi tiền phải tính toán và một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất. Thứ hai, nhiều luồng thông tin xuất hiện nhưng phần lớn nghiêng về hoài nghi chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nên gây biến động lãi suất.”

Theo bà Hương, việc hạ lãi suất cho vay và tiền gửi còn phụ  thuộc vào hiệu quả kiểm soát lạm phát. “Nếu từ nay đến cuối năm cứ tốc độ lạm phát tháng sau thấp hơn tháng trước thì tôi đảm bảo lãi suất sẽ giảm,” bà Hương nói.

Trong một động thái khác, bà Hương cũng cho hay Hiệp hội Ngân hàng đang tích cực vận động các ngân hàng thương mại giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, bà Hương cũng nhấn mạnh rằng, dù có kêu gọi thì cũng chỉ là mang tính chất “tự giác” giữa các ngân hàng mà thôi.

“Hiệp hội Ngân hàng chỉ có thể kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí huy động vốn thông qua hình thức tặng thêm tiền mặt và lãi suất, để từ đó có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay thỏa thuận, phát triển tín dụng. Song điều này còn tùy thuộc vào sự tính toán của ngân hàng để cân đối chi phí trong hoạt động. Vì lãi suất luôn là con dao hai lưỡi, nếu không thận trọng thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động,” bà Hương nói.

Đồng tình với quan điểm này, các phân tích nêu trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB cũng cho thấy, lãi suất cao hơn được coi là một nguy cơ tiềm ẩn đe dọa quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Thế nhưng, WB cũng nhận định “lãi suất chắc chắn sẽ giảm, các đối tượng trong nước có thể thay đổi danh mục đầu tư bằng cách giảm tích lũy các tài sản bằng ngoại tệ.”

Theo WB, quá trình này đang diễn ra, bằng chứng là tín dụng ngân hàng đã được mở rộng, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã được nới lỏng.

“Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần phải hết sức thận trọng trong quá trình điều chỉnh, nếu không sẽ lại làm gia tăng lạm phát,” chuyên gia kinh tế trưởng của WB Martin Rama đưa ra khuyến cáo.

Trong một cuộc trả lời báo chí gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, hoạt động của Ngân hàng Trung ương vẫn nhịp nhàng, giữ vững khả năng điều tiết dòng tiền vào ra một cách hợp lý. Kể cả thời điểm khó khăn nhất là cận kề Tết Nguyên đán, các tổ chức rút ra 70 nghìn tỷ đồng (trong đó: tổ chức kinh tế rút 40 nghìn tỷ đồng, kho bạc rút 20 nghìn tỷ đồng, bảo hiểm rút 10 nghìn tỷ đồng), Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản cho nền kinh tế./.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục