Các công ty da giày Indonesia có thể phải đổi thị trường

Nhiều công ty da giày Indonesia có thể phải đóng cửa hoạt động hay chuyển sang các thị trường khác có giá nhân công rẻ hơn.
Các công ty da giày Indonesia có thể phải đổi thị trường ảnh 1Kim ngạch xuất khẩu da giày của nước này năm 2014 có thể giảm 1 tỷ USD. (Nguồn: indonesia-oslo.no)

Doanh thu xuất khẩu của ngành da giày Indonesia trong năm tới được dự báo sẽ giảm mạnh do tác động của nhu cầu giảm sút và khả năng nhiều cơ sở sản xuất trong nước có thể phải đóng cửa hoạt động hay chuyển sang các thị trường khác có giá nhân công rẻ hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Indonesia (Aprisindo) Eddy Widjanarko cảnh báo rằng kim ngạch xuất khẩu da giày của nước này năm 2014 có thể giảm 1 tỷ USD, từ mức ước đạt 4 tỷ USD năm 2013.

Ông Eddy Widjanarko cho biết sự suy giảm nhu cầu, đặc biệt là từ Mỹ (thị trường chiếm tới 80% xuất khẩu giày dép của Indonesia) và các cuộc đình công thường xuyên của công nhân có thể khiến các nhà đầu tư nản lòng, thậm chí ngừng hoạt động để chuyển các cơ sở sản xuất tới các khu vực có giá nhân công rẻ hơn.

Với cuộc tổng bãi công rầm rộ trong cả nước với sự tham gia của khoảng ba triệu người trong hai ngày 31/10 và 1/11 mới đây, các mức lương tối thiểu trong năm 2014 sẽ được nâng lên, chẳng hạn từ 2,2 triệu rupiah (gần 194 USD) lên 2,4 triệu rupiah ở thủ đô Jakarta.

Song mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi tăng lương ít nhất 50% của những người lao động.

Hiện đã có tới 60 cơ sở da giày và dệt may ở Jakarta đang tìm cách di chuyển tới các địa phương khác trong nước có mức lương tối thiểu thấp hơn nếu không muốn đóng cửa sản xuất.

Ngoài ra 46 công ty nước ngoài trong hai lĩnh vực này đã sẵn sàng rút khỏi Indonesia, ngay cả khi mức lương tối thiểu chỉ tăng 20%, với đích đến có thể là Việt Nam hay Myanmar.

[Hàng chục ngàn công nhân Indonesia tiếp tục đình công]

Trong khi đó Chủ tịch Liên đoàn các Nghiệp đoàn lao động Indonesia, Said Iqbal cho biết hàng nghìn trong tổng số hàng trăm nghìn công nhân tại 40 khu công nghiệp trong cả nước sẵn sàng tiếp tục bãi công do mức lương tối thiểu mới chưa đủ đảm bảo cho đời sống.

Theo ông Said Iqbal, lương tối thiểu của người lao động ở Jakarta phải là 3,7 triệu rupiah (326 USD), trong khi chính quyền thành phố mới nhượng bộ ở mức 2,4 triệu rupiah./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục