Các cục diện địa chính trị mới đang “nhuộm màu” năng lượng toàn cầu

Các chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu ANBOUND cho rằng tác động chủ yếu của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với cục diện thị trường năng lượng toàn cầu đang được phản ánh trong nhiều khía cạnh.
Các cục diện địa chính trị mới đang “nhuộm màu” năng lượng toàn cầu ảnh 1Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên Bin Omar tại thành phố cảng Basra của Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang hk01.com mới đây, được đánh giá là cuộc xung đột địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ này, căng thẳng Nga-Ukraine không chỉ làm thay đổi mối quan hệ chính trị và ngoại giao trên thế giới hiện nay, mà còn làm biến động sâu sắc cục diện cung-cầu trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Các chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu ANBOUND cho rằng tác động chủ yếu của cuộc xung đột này đối với cục diện thị trường năng lượng toàn cầu đang được phản ánh trong nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, yếu tố địa chính trị đã làm gia tăng khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Mối quan tâm của thế giới đã chuyển từ việc chuyển đổi mô hình năng lượng mới sang làm thế nào để đảm bảo sự ổn định và an ninh của các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.

Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng truyền thống một lần nữa trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với các chính trị gia. Do phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, hiện tại các nước châu Âu đang chịu nhiều ảnh hưởng.

Giá khí đốt tương lai của châu Âu đã tăng hơn 50% kể từ khi Nga thông báo cắt giảm 60% lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vào tháng 6/2022. Ngày 2/7 vừa qua, Đức đã nhiều lần phát đi cảnh báo rằng nước này đang xem xét sửa đổi “Luật an ninh năng lượng” để chuẩn bị cho việc cắt giảm hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga.

Tại Italy, trữ lượng khí đốt hiện tại chỉ đạt 55%, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng an toàn 90%. Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết nước này có kế hoạch mua than để cho phép các nhà máy than hoạt động hết công suất nếu cần thiết, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra.

Chính phủ Hà Lan ngày 20/6 thông báo sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với hoạt động sản xuất nhiệt điện than, cho phép các nhà máy điện than chạy hết công suất với hy vọng tiết kiệm lượng khí đốt tự nhiên để chuẩn bị cho mùa Đông năm nay.

Ngày 29/6 vừa qua, Vương quốc Anh cảnh báo nước này sẽ cân nhắc việc cắt vận chuyển khí đốt tự nhiên tới lục địa châu Âu nếu tình trạng thiếu hụt năng lượng ngày càng trầm trọng.

Thứ hai, cục diện cung-cầu năng lượng toàn cầu bị chi phối bởi các yếu tố địa chính trị và cục diện cung-cầu năng lượng hình thành trong bối cảnh toàn cầu hóa đang trải qua sự điều chỉnh cơ cấu lớn.

[Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy nhanh tốc độ điều chỉnh năng lượng toàn cầu]

Trước đây, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tất cả các quốc gia đều tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng sẵn có và rẻ nhất dựa trên nguyên tắc thị trường và nguyên tắc hợp tác. Ví dụ, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga được cung cấp cho các nước châu Âu với số lượng lớn và phương thức cung cấp đường ống rẻ nhất được sử dụng rộng rãi, trong khi các nước Trung Đông chủ yếu bán dầu cho thế giới bằng đường biển và châu Á là thị trường mục tiêu quan trọng.

Tuy nhiên, sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng nổ, cục diện cung-cầu của thị trường năng lượng toàn cầu đã thay đổi. Do những toan tính địa chính trị, “Nhóm cung-cầu năng lượng” mới có thể chia thành hai nhóm như sau:

Nhóm đầu tiên là “Nhóm cung-cầu năng lượng phương Tây.” Thành phần bao gồm “châu Âu, Trung Đông, Mỹ và các nước phương Tây khác.” Sau khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát, các nước châu Âu đã nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, với hy vọng cuối cùng sẽ có thể “tách rời” khỏi năng lượng của nước này.

Để bù đắp nguồn cung, các nước châu Âu đã tăng cường mua dầu và khí đốt tự nhiên từ Trung Đông và Mỹ. Theo xu hướng này, một nhóm cung-cầu năng lượng do các nước phương Tây chiếm ưu thế và Trung Đông, Mỹ là nhà cung cấp năng lượng chính sẽ dần hình thành.

Điều cần nhấn mạnh là vai trò của Mỹ trong cục diện cung cấp năng lượng mới sẽ tăng lên. Là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, vị thế của Mỹ trong “Nhóm cung cấp năng lượng phương Tây” đã được nâng lên hơn nữa. Hồi tháng 3/2022, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ký “Kế hoạch Marshall khí đốt,” hứa hẹn sẽ tăng xuất khẩu LNG sang EU thêm 15 tỷ m3 trong năm nay.

Theo số liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ, chỉ trong tháng 4/2022, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và Ba Lan đã nhận được 54,1% tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Cùng với việc Nga tiếp tục cắt giảm khí đốt cho châu Âu, tổng lượng LNG Mỹ cung cấp cho châu Âu thậm chí đã vượt qua lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống của Nga lần đầu tiên vào ngày 1/7 vừa qua.

Trong khi đó, các quốc gia Trung Đông do Saudi Arabia làm đại diện cũng đang chuyển trọng tâm cung cấp năng lượng sang châu Âu. Tại châu Âu, Saudi Arabia cũng cam kết đáp ứng nhu cầu dầu thô của các quốc gia theo hợp đồng.

Một số nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh giá dầu ở các nước châu Âu tăng vọt, các quốc gia như Saudi Arabia đương nhiên sẽ nghiêng trọng tâm xuất khẩu sang khu vực này. Bên cạnh việc được hưởng lợi từ môi trường giá cao hơn thì điều này cũng giúp khu vực Trung Đông tăng cường quan hệ với các nước châu Âu.

Nhóm thứ hai là “Nhóm cung-cầu năng lượng phương Đông,” bao gồm “Nga, Trung Quốc, Iran và một số nước đang phát triển.” Nga, quốc gia đã tách khỏi nguồn cung năng lượng của các nước châu Âu, sẽ chuyển hướng sang châu Á trong một thời gian dài (có thể là 20-30 năm), trong số đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu năng lượng chính của nước này (bao gồm cả dầu mỏ và khí đốt tự nhiên).

Các cục diện địa chính trị mới đang “nhuộm màu” năng lượng toàn cầu ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù các nước Trung Đông vẫn là một trong những nguồn cung cấp dầu quan trọng nhất cho Trung Quốc, nhưng dưới áp lực địa chính trị, xuất khẩu dầu từ Trung Đông sang châu Âu sẽ tăng lên, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giảm và tầm quan trọng tương đối của khu vực đối với Trung Quốc có thể giảm. Ngoài ra, Iran cũng sẽ tăng cường cung cấp năng lượng cho Trung Quốc.

Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu ANBOUND, Trung Quốc đã nhập khẩu 8,42 triệu tấn dầu thô từ Nga trong tháng 5/2022, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021, qua đó xác lập kỷ lục mới. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc là 1,98 triệu thùng/ngày, tăng gần 25% so với mức 1,59 triệu thùng/ngày trong tháng Tư vừa qua.

Trong cùng thời kỳ, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Saudi Arabia lên tới 7,82 triệu tấn, chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, Nga đã vượt qua Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Về phía Iran, dưới lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc cũng trở thành thị trường xuất khẩu năng lượng quan trọng của nước này.

Theo Reuters, để cạnh tranh với Nga về thị phần tại Trung Quốc, Iran đang có kế hoạch giảm hơn nữa giá dầu thô vốn đã khá rẻ. Dầu của Iran hiện thấp hơn gần 10 USD/thùng so với dầu Brent giao sau và gần bằng với dầu thô Urals của Nga. Mức giá này dự kiến sẽ giảm bằng giá dầu thô Urals của Nga đến Trung Quốc vào tháng Tám.

Phân tích của thị trường cũng cho rằng dưới sự kích thích của các chính sách ưu đãi, mối quan hệ thương mại dầu mỏ giữa Trung Quốc và Iran sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Điều cần chỉ ra là cục diện năng lượng mới có một màu sắc địa chính trị mạnh mẽ và là một mô hình cung-cầu năng lượng bị “bóp méo” bởi địa chính trị. Mô hình cung cấp năng lượng mới sẽ không kinh tế đối với các nước châu Âu do khoảng cách quá xa và giá năng lượng sẽ trở nên đắt đỏ.

Mô hình cung-cầu năng lượng méo mó này sẽ còn tồn tại nếu bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện tại được duy trì trong một thời gian dài nữa. Điều này có nghĩa là thị trường năng lượng toàn cầu sẽ phải đối mặt với rủi ro giá năng lượng tăng cao trong một thời gian dài.

Đối với Trung Quốc, mô hình này có ưu và nhược điểm. Nếu Nga tiếp tục duy trì “thế giằng co” với Ukraine và phương Tây, thì nước này sẽ có thể duy trì xuất khẩu năng lượng ổn định sang Trung Quốc và Trung Quốc sẽ có được nguồn năng lượng ổn định với giá tốt từ Nga. Tuy nhiên trong tình huống ngược lại, việc cung cấp năng lượng của Nga cho Trung Quốc có thể sẽ không ổn định.

Xung đột Nga-Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt và đáp trả nhau đang định hình lại một cách sâu sắc cục diện thị trường năng lượng toàn cầu. Do chịu ảnh hưởng từ các yếu tố địa chính trị, thị trường năng lượng theo xu thế thị trường hóa cao độ trước đây bắt đầu tan rã, cục diện đối đầu giữa hai “nhóm cung-cầu năng lượng” chịu ảnh hưởng đáng kể từ bối cảnh địa chính trị sẽ dần trở nên rõ ràng hơn.

Là một nước nhập khẩu và tiêu thụ nhiều năng lượng, Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, Trung Quốc cần phát triển một con đường an ninh năng lượng độc lập và cân bằng trên cơ sở hoàn toàn thích ứng với những thay đổi của tình hình địa chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục