Các cường quốc hoan nghênh nối lại đối thoại chính trị tại Libya

Theo tin nước ngoài ngày 22/3, Mỹ và nhiều nước châu Âu hoan nghênh việc nối lại tiến trình đối thoại giữa các phe phái chính trị đối lập tại Libya.
Các cường quốc hoan nghênh nối lại đối thoại chính trị tại Libya ảnh 1Binh sỹ thuộc lực lượng Bình minh Libya trong một cuộc giao tranh tại Bir al-Ghanam, Libya ngày 19/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tin nước ngoài ngày 22/3, Mỹ và nhiều nước châu Âu hoan nghênh việc nối lại tiến trình đối thoại giữa các phe phái chính trị đối lập tại Libya.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Liên hợp quốc đang đảm nhận vai trò trung gian cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya.

Trong tuyên bố chung, Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha đã kêu gọi các bên tham gia đàm phán tiến hành đối thoại một cách xây dựng và chân thành nhằm đạt được một thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc cũng như thỏa thuận ngừng bắn trong thời gian sớm nhất.

Tuyên bố kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị tại Libya hành động một cách có trách nhiệm và thể hiện rõ sự ủng hộ đối với tiến trình đối thoại thông qua việc kiểm soát hoạt động quân sự, chấm dứt các hành động không được thông qua trong thỏa thuận khung.

Tuyên bố cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với mối đe dọa ngày càng nguy hiểm từ các nhóm khủng bố mà họ cho là "ngày càng gia tăng sự hiện diện của chúng tại Libya do sự thiếu vắng một chính phủ trung ương đoàn kết, vững mạnh tại quốc gia này."

Tuyên bố khẳng định tiến trình chính trị do Liên hợp quốc khởi xướng nhằm thiết lập một chính phủ đoàn kết dân tộc là hy vọng tốt nhất cho người dân Libya để đối phó với các mối đe dọa khủng bố cũng như đương đầu với tình trạng bạo lực và bất ổn đang gây tổn hại đến tiến trình chuyển tiếp và phát triển của Libya.

Libya chìm sâu vào vòng xoáy bạo lực kể từ khi phương Tây ủng hộ làn sóng chính biến lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi hồi năm 2011.

Ba năm sau sự kiện này, Libya vẫn phải đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng và bế tắc chính trị với sự tồn tại của hai chính phủ, hai quốc hội.

Xung đột đã gây ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 120.000 người phải sơ tán, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục