Các "đại gia" công nghệ Mỹ phản đối chương trình do thám

Microsoft, Apple, Verizon Communications, AT&T và Cisco System lên tiếng phản đối việc Chính quyền Mỹ ban hành lệnh cho phép hoạt động thu thập dữ liệu Internet ngoài lãnh thổ.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ tiếp tục cùng lên tiếng phản đối việc Chính quyền Washington ban hành lệnh cho phép hoạt động thu thập dữ liệu Internet bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Năm "đại gia" bao gồm Microsoft, Apple, Verizon Communications, AT&T và Cisco System cho biết các hãng này đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ USD doanh thu nếu thư điện tử (email) và các dữ liệu cá nhân của người dùng lưu giữ bên ngoài nước Mỹ trở thành đối tượng cho chương trình do thám của chính quyền.

Trong văn bản đệ trình lên tòa án ngày 16/6, Microsoft cho biết việc làm của Chính phủ Mỹ đang làm xói mòn lòng tin của người sử dụng Internet và làm lung lay vị trí dẫn đầu của ngành công nghệ Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Trước đó, hồi tháng 12/2013, một thẩm phán tòa án New York đã ban hành một lệnh yêu cầu Microsoft cung cấp các bản sao email lưu giữ tại các máy chủ ở thủ đô Dublin của Ireland để phục vụ công tác điều tra. Microsoft đã phản đối lệnh này, cho rằng chính quyền không có quyền yêu cầu các dữ liệu bên ngoài nước Mỹ và đưa vụ việc ra một tòa án quận Manhattan, New York.

Tuy nhiên, tháng Tư vừa qua, tòa án trên đã kết luận yêu cầu của chính phủ đối với Microsoft là hoàn toàn hợp pháp và việc hãng này từ chối hợp tác "gây ảnh hưởng lớn tới năng lực thực thi pháp luật trong công tác thu thập bằng chứng phạm tội."

Phán quyết trên đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ trên mạng Internet, hay còn gọi là điện toán đám mây.

Microsoft cho biết nếu tình hình này tiếp tục, dịch vụ điện toán đám mây của ngành công nghệ Mỹ trên thị trường thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hãng hiện cung cấp dịch vụ tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu và điều hành các trung tâm dữ liệu tại nhiều nước như Mỹ, Ireland, Hà Lan, Nhật Bản và Brazil.

Luật sư của Apple và Cisco cho hay phán quyết trên đẩy các nhà cung cấp dịch vụ vào một tình huống khó khăn khi buộc phải lựa chọn giữa tuân thủ pháp luật nước nhà và pháp luật nước sở tại.

Trong khi đó, Verizon nhận định nếu phán quyết trên được duy trì sẽ gây thiệt hại khổng lồ cho hoạt động kinh doanh quốc tế của các tập đoàn công nghệ Mỹ, tổn hại tới quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước cũng như đe dọa quyền riêng tư của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục