Các đại lý ôtô "tung chiêu" đẩy mạnh doanh số thời dịch bệnh

Dịch COVID-19 đang tàn phá nặng nề đến nền kinh tế nói chung và công nghiệp ôtô cũng không ngoại lệ. Để thúc đẩy doanh số, các đại lý xe đã tung ra nhiều chính sách bán hàng để cải thiện tình hình.
Phòng trưng bày xe tại đại lý xe Mazda Trần Khát Chân. (Ảnh nguồn: Mazda Trần Khát Chân)
Phòng trưng bày xe tại đại lý xe Mazda Trần Khát Chân. (Ảnh nguồn: Mazda Trần Khát Chân)

Thị trường ôtô đang ở trong thời kỳ thấp điểm nhất trong năm. Dịch COVID-19 thì đang ngày một lan rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều hãng ôtô và đại lý bán xe đã xây dựng nhiều chính sách và hình thức bán hàng hợp lý để thu hút khách hàng mua xe, cải thiện doanh số "ẩm ương" thời khủng hoảng.

Giảm giá bán kịch sàn

Thực tế, xu hướng giảm giá xe ở thị trường vào thời điểm này không phải là bất thường khi các đại lý phải đẩy hết lượng xe cũ còn tồn để chuẩn bị nhập các dòng xe mới về. Mặt khác, dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp khiến cho tình trạng buôn bán càng trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, giá xe năm nay giảm sâu hơn và các hãng xe và đại lý cũng tung ra nhiều chiêu giảm giá để kích cầu doanh số.

Giá bán các mẫu SUV 7 chỗ tại thị trường Việt Nam như Toyota Fortuner, Honda CR-V, Ford Everest,...đều đang được giảm giá sâu ở các đại lý. Ford Everest đang được các đại lý phân phối giảm từ 60-90 triệu đồng, tùy phiên bản. Trong khi đó, Toyota tiếp tục giảm giá bán Fortuner thông qua hình thức ưu đãi lệ phí trước bạ và bộ phụ kiện đồng thời khuyến mại thực tế tại các đại lý đưa giá của mẫu xe này giảm xuống từ 50-80 triệu đồng.

Hầu hết các hãng xe đều giảm giá xe thông qua hình thức điều chỉnh giá bán hoặc khuyến mại bằng tiền mặt, tặng phí trước bạ cho các sản phẩm. Các đại lý cũng hạ giá thành sản phẩm thông qua các hình thức tặng các bộ phụ kiện hay phiếu nhiên liệu kèm theo để tăng thêm các ưu đãi cho các khách hàng mua xe. Thậm chí, các nhân viên bán hàng còn phải "hy sinh" một phần hoa hồng để có thể chạy đủ doanh số.

Cuối tháng 2, Ford cũng bất ngờ công bố giảm giá mẫu xe Explorer gần 300 triệu đồng. Đưa giá bán của mẫu xe này xuống mức giá dưới 2 tỷ đồng. Đây là đợt điều chỉnh giá mạnh tay từ Ford Việt Nam.

Các đại lý ôtô "tung chiêu" đẩy mạnh doanh số thời dịch bệnh ảnh 1Mẫu SUV Subaru Forester được giảm giá sâu đến gần 200 triệu đồng. (Ảnh nguồn: Subaru)

Bên cạnh đó, Subaru Việt Nam công bố giảm giá sâu chưa từng thấy đối với mẫu SUV Subaru Forester. Theo đó, toàn bộ các phiên bản của mẫu SUV này đều được giảm 180 triệu đồng so với giá bán niêm yết kể từ ngày 13/2. Với mức giảm này, giá bán Subaru Forester 2.0L CVT có giá 948 triệu đồng; phiên bản All-new Forester iL 2.0L CVT có giá 967 triệu đồng. Phiên bản Subaru Forester i-S 2.0L- CVT (trang bị camera 360) có giá 1,057 tỷ đồng và bản cao cấp nhất có công nghệ EyeSight có giá 1,127 tỷ đồng.

Mitsubishi cũng giảm giá cho toàn bộ các mẫu xe đang phân phối tại thị trường Việt Nam ngoại trừ mẫu xe hot Mitsubishi Xpander; trong đó Mitsubishi Outlander và Pajero Sport là 2 mẫu xe có mức giảm sâu nhất.

Mitsubishi Pajero Sport được giảm giá “sập sàn” ở đại lý. Giá bán Mitsubishi Pajero Sport Diesel 4×2 MT đang giảm tới hơn 100 triệu đồng, trong đó mức giảm giá bán lẻ lên tới 92 triệu đồng đi kèm bộ phụ kiện; bản Diesel 4×2 AT giảm 72 triệu đồng; phiên bản Pajero Sport Gasoline 4×2 AT Premium giảm 50 triệu đồng.

Thay đổi phương thức bán xe

Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, toàn dân Việt Nam đều phải cách ly xã hội tại nhà dẫn đến lượng truy cập trực tuyến được ghi nhận tăng đột biến, trong khi số khách hàng tới mua xe trực tiếp tại showroom thì giảm sút. Vì vậy, để tồn tại và phát triển vượt qua thời gian này, ngoài việc giảm giá bán xe, các doanh nghiệp buộc phải "chuyển mình" theo xu hướng nếu không muốn "sập tiệm".

[Thương hiệu ôtô nào bán chạy nhất Việt Nam giữa mùa dịch COVID-19?]

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, để thu hút khách mua xe, nhiều nhân viên kinh doanh của các hãng đã tận dụng phương thức bán xe online hay livestream để dễ tương tác, truyền đạt thông tin, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Nếu tìm được khách đang có nhu cầu mua xe, các đại lý còn không ngần ngại sẵn sàng mang xe đến tận nhà để cho khách hàng lái thử. Để phục vụ tối đa cho khách hàng “ngồi ở nhà mua xe”, tham khảo cách bán xe thời dịch của một nhân viên kinh doanh của một hãng xe Nhật bao gồm các bước sau: Bước 1: Tư vấn online / Bước 2: Thu tiền online (chuyển khoản) / Bước 3: Xử lý hồ sơ online / Bước 4: Nộp thuế online và bấm số / Bước 5: Giao xe tận cửa nhà / Mang xe đến tận nhà cho khách trải nghiệm lái thử.

Các đại lý ôtô "tung chiêu" đẩy mạnh doanh số thời dịch bệnh ảnh 2Mua ôtô online thời COVID-19. (Ảnh chụp màn hình Facebook)

Dễ dàng nhận thấy chỉ với một vài thủ tục đơn giản, dễ hiểu và hoàn toàn trực tuyến, khách hàng có thể mua một chiếc xe có giá trị lớn mà chẳng cần phải bước chân ra khỏi cửa nhà, đã có nhân viên bán hàng lo từ “a tới z”.

Thêm vào đó, anh Cao Hưng, chuyên viên bán hàng đại lý xe Mazda cho biết: “Theo thói quen tiêu dùng thì 95% khách hàng của tôi trước đây đều đến xem xe trực tiếp rồi mới chốt mua. Gần đây, ai cũng đều ngại ra đường nên bộ phận bán hàng bên tôi đang đẩy mạnh dịch vụ lái xe chạy thử đến tận nhà khách hàng để họ trải nghiệm mà không phải di chuyển, điều mà trước đây thường chỉ áp dụng với các thương hiệu xe sang.”

Theo khảo sát, hầu hết những đại lý trên địa bàn Hà Nội thời điểm này, nhân viên bán hàng đều cho biết họ phải thay đổi chiến lược kinh doanh nếu không muốn thiếu hụt chỉ tiêu. Việc đại lý áp dụng việc giao xe tại nhà hoặc nhân viên bán hàng đến tận nơi giao xe cho khách theo nhu cầu, vừa linh hoạt, thoả mãn khách hàng lại không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện cách ly xã hội.

Nhìn ra thế giới, hình thức mua sắm xe trực truyến cũng không còn mới lạ và đã được triển khai ở nhiều nước. Tuy nhiên, với hoàn cảnh của cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 như hiện nay thì các dịch vụ này càng phát triển hơn và theo nhiều hình thức khác nhau.

Điển hình, hãng xe điện của Mỹ là Tesla đã thường xuyên cung cấp các dịch vụ đặt hàng trực tuyến cho khách hàng. Thương hiệu có trụ sở tại California này hiện đang triển khai các dịch vụ giao hàng “không chạm” tại nhiều địa điểm, cho phép người dùng mở khóa xe ôtô thông qua một ứng dụng, cũng như ký bất kỳ giấy tờ nào liên quan thông qua hệ thống trực tuyến. Dịch vụ này đã xuất hiện từ lâu và có nhiều phản ánh tích cực từ phía khách hàng.

Các đại lý ôtô "tung chiêu" đẩy mạnh doanh số thời dịch bệnh ảnh 3Hãng xe Trung Quốc Geely sử dụng máy bay không người lái để giao chìa khoá xe tới khách. (Ảnh nguồn: Businessinsider)

Còn tại Trung Quốc - thị trường ôtô hàng đầu thế giới, nhà sản xuất xe hơi Geely đang chuẩn bị triển khai một hình thức giao hàng mới lạ. Mang chìa khóa xe mới đến cho khách hàng thông qua thiết bị bay không người lái (drone). Dịch vụ giao hàng tận nhà này cũng đảm bảo vệ sinh, an toàn khi bao gồm việc khử trùng toàn bộ chiếc xe.

Để có trải nghiệm hoàn toàn không tiếp xúc, nhà sản xuất ôtô giải thích: "Hệ thống mới sẽ sử dụng máy bay không người lái ở các địa điểm được chọn, bay trực tiếp đến cửa hoặc ban công của khách hàng để giao chìa khóa xe mới cho khách, tạo ra một quá trình hoàn toàn không tiếp xúc". Giờ đây, công việc của các đại lý xe hơi là phải huấn luyện nhân viên sử dụng thiết bị bay không người lái, để thả một bộ chìa khóa tới khách hàng mà không phải tiếp xúc trực tiếp tại nhà.

Ngoài ra, hai hãng xe Volvo và Polestar cũng đều thực hiện những cách phi truyền thống để bán hoặc cho thuê xe. Khách hàng của Volvo có thể chọn sản phẩm thông qua một ứng dụng còn Polestar thiết lập các không gian bán lẻ tương tự như Apple Store. Các công ty khởi nghiệp và đại lý tại Mỹ cũng đang tìm ra cách tốt nhất để bán xe trong thời điểm nhiều người đang phải tự cách ly, sử dụng internet và dịch vụ giao hàng tận nhà...

Rõ ràng, thời điểm này, nếu không có chính sách và hình thức bán hàng hợp lý thì sẽ thật khó để duy trì, đến cả những hãng xe lớn cũng không nằm ngoài cuộc.

Có thể thấy dịch COVID-19 đang gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Việt Nam ở mọi lĩnh vực và xe hơi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, để tồn tại và vượt qua thời gian này buộc các doanh nghiệp phải "chuyển mình" theo xu hướng kinh doanh mới. Về lâu dài, phương thức bán hàng trực tuyến cũng sẽ có triển vọng và phát triển bởi người dùng hiện có nhu cầu lớn mua hàng online trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục