Các địa phương hoàn tất việc chuẩn bị năm học mới

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác chuẩn bị năm học mới đã được các đơn vị, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tích cực hoàn tất.
Ngày 31/8, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị năm học mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết công tác chuẩn bị năm học mới đã được các đơn vị chức năng, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương tích cực hoàn tất.

Sách giáo khoa đã được phát hành đầy đủ, kịp thời đến các địa phương ngay trong dịp Hè 2011.

Bộ đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ học sinh khó khăn trong việc đảm bảo sách giáo khoa, tổ chức mua bán, quyên góp tặng sách giáo khoa cũ; tặng sách giáo khoa, vở viết cho học sinh con thương binh, liệt sỹ...

Trong dịp Hè này, 100% các sở giáo dục và đào tạo hoàn thành chương trình bồi dưỡng hè, các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác chủ nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cấp.

Bộ cũng tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương như công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012...

Trong năm học mới 2011-2012, ngành giáo dục sẽ tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác quản lý; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

Về vấn đề lạm thu trong một số cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong năm 2011-2012, Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, quản lý và sử dụng các khoản thu ở các cơ sở giáo dục-đào tạo công lập.

Các đơn vị sẽ không được phép tự quy định các khoản thu, chi dưới bất kỳ hình thức nào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục địa phương tăng cường công tác quản lý thu chi, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra giám sát các khoản thu, chi tài chính, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Trước việc một số trường đại học, cao đẳng bắt sinh viên đóng "học phí" và cả "kinh phí học tập," Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định sinh viên chỉ phải đóng học phí và khoản học phí này chỉ là một phần để hỗ trợ hoạt động giáo dục, không phải toàn bộ chi phí cho hoạt động giáo dục. Khoản học phí này cũng không được dùng để chi tiền thưởng cho giáo viên, nhân viên của trường.

Về giảm tải chương trình, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn cho biết Bộ sẽ tập trung rà soát chương trình, sách giáo khoa nhằm điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải và sẽ hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện ngay từ năm học này.

Tuy nhiên, Bộ chỉ đưa ra khung với những hướng dẫn cụ thể, dễ nghiên cứu và thực hiện, từ đó các Sở và các trường sẽ cụ thể hóa từng nội dung. Việc giảm tải chương trình không phải giải pháp để giải quyết việc "dạy thêm, học thêm" vì đây là giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, thay đổi cách học từ "lĩnh hội kiến thức" sang "vận dụng kiến thức." Học sinh và giáo viên hoàn toàn có thể tận dụng sách giáo khoa cũ trong khi thực hiện giảm tải chương trình học, không cần mua sách mới.

Các trường đại học, cao đẳng đang nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 và dư luận rất quan tâm về chất lượng tuyển sinh khi một số trường có điểm xét tuyển thấp do được phép sử dụng điều 33 Quy chế thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các thí sinh chỉ cần 8 điểm đã đỗ đại học và 5 điểm đã đỗ cao đẳng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi khẳng định Quy chế 33 là ưu tiên đặc biệt cho học sinh dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú tại các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Bản thân các trường được phép áp dụng Quy chế 33 cũng là các trường đại học vùng, các ngành khó tuyển; không áp dụng Quy chế 33 cho học sinh phổ thông bình thường, các trường vùng thuận lợi. Do vậy, điểm tuyển thấp đối với đối tượng thí sinh này hoàn toàn hợp lý./.

Ngọc Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục