Các địa phương khắc phục hậu quả do bão số 2 và mưa lũ sau bão

Mưa bão tại các tỉnh ở khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã khiến nhiều nhà cửa hư hỏng, tốc mái, hoa màu, lúa Xuân bị ngập, nhiều cây xanh, cột điện gãy đổ, đường sá sạt lở.
Lốc xoáy khiến nhiều cây cối tại xã An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) gãy đổ. (Nguồn: TTXVN phát)
Lốc xoáy khiến nhiều cây cối tại xã An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) gãy đổ. (Nguồn: TTXVN phát)

Ngày 14/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Công điện số 05/CĐ-TW ngày 12/6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Các địa phương tập trung vào việc thống kê, đánh giá thiệt hại, triển khai các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả do bão số 2 và mưa lũ sau bão gây ra; theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ sau bão, đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Tây Bắc Bộ, phía Tây các tỉnh Bắc Trung Bộ; triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất, nhất là tại tỉnh Hà Tĩnh; tổ chức kiểm tra các công trình hồ đập, hạ tầng; rà soát các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai khi có yêu cầu.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 8 giờ ngày 14/6, một trong hai ngư dân mất liên lạc do bè mảng bị hỏng máy ở Thanh Hóa khi đang trên đường vào bờ tránh trú bão số 2 (trong tối 12/6) đã được tìm thấy; một tàu cá số hiệu TH 91677 TS của Thanh Hóa bị chìm trên đường tránh bão và 3 bè cá bị chìm (Nghệ An).

Mưa lớn đã làm 133 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 19.733ha lúa, 1.516ha hoa màu bị ngập; 4.823 cây xanh bị đổ; 31 cột điện bị đổ gãy...

[Bão số 2 và hoàn lưu sau bão gây nhiều thiệt hại tại các địa phương]

Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, do ảnh hưởng bão số 2, tại Nam Định, 6 cột điện tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu bị gãy, đổ; 104 nhà của các hộ dân ở 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hải Hậu bị tốc, hỏng, sập mái hiên, lán tôn, mái ngói, mái fibro ximăng (trong đó, bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Hải Đông 60 hộ, thị trấn Thịnh Long 32 hộ, các xã: Hải Triều, Hải Chính, Hải Lý mỗi xã từ 2-5 hộ); 7.800m2 nhà bạt che ao nuôi thủy sản của hai hộ dân ở xã Hải Hòa và Hải Triều (huyện Hải Hậu) bị tốc mái bạt, hỏng hệ thống khung, tường nhà bạt; trên 50 ao nuôi tôm công nghiệp, tổng diện tích trên 20ha của 50 hộ dân ở xã Hải Triều và Hải Chính (huyện Hải Hậu) bị xé bạt đáy, sạt bờ ao; 300ha rau màu các loại và trên 1.000 cây bóng mát, cây chắn sóng (chủ yếu mới trồng) tại xã Hải Chính (huyện Hải Hậu) bị ảnh hưởng, gãy, đổ; khoảng 33ha lúa Xuân chưa thu hoạch ở huyện Mỹ Lộc bị đổ.

Đặc biệt, sóng lớn đã làm một số vị trí tại mỏ kè số 4 và mỏ kè số 5 của kè Hải Thịnh 2, thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu bị hư hỏng. Tổng thiệt hại của các sự cố trên ước tính khoảng hơn 5,3 tỷ đồng.

Dông lốc xảy ra tại xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã gây tốc mái, đổ tường bao của hai điểm trường, một trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, một nhà dân và gãy 8 cây xanh.

Mưa lớn đã gây sạt lở tại các huyện Lương Sơn, Đà Bắc và Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình). Khu vực xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn phải sơ tán dân khẩn cấp với 40 hộ với 191 nhân khẩu trong ngày 12/6; 4 nhà, 22ha lúa, 8 con lợn bị thiệt hại, 220m3 đất đá đường bị sạt lở.

Tại tỉnh Cà Mau, ba sự cố sạt đất và ba trận dông lốc đã xảy ra tại huyện Năm Căn, ước tính thiệt hại 57 triệu đồng.

Hiện, các địa phương đang tiếp tục khắc phục hậu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục