Các địa phương tổ chức góp ý Dự thảo Hiến pháp 1992

Các đơn vị của tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, Vĩnh Long, đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều; giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992. Các đại biểu đã quán triệt Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhất là đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình công tác.

Các đại biểu dự hội nghị đều tán thành nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát thực tiễn vào nội dung của Dự thảo Hiến pháp; trong đó, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề như: Lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp... Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao về bố cục, câu chữ, nội dung điều chỉnh của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhất là làm rõ được vai trò và bản chất của Nhà nước.

Sau hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ở cấp tỉnh và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, việc tổ chức lấy ý kiến sẽ được triển khai ở các cấp thành phố, thị xã, các huyện và trong toàn thể nhân dân. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế kết thúc vào cuối tháng 3. Việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tổng hợp bằng văn bản gửi về Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế theo kế hoạch.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp cũng vừa tổ chức lấy ý kiến của đại diện nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và thành viên hội đồng tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc về việc góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đại biểu cho rằng sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp, đúng với tình hình đất nước đang đổi mới như hiện nay. Đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; ngoài ra dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ hơn hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, dự thảo tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến ở các điều: điều 9 nói về hoạt động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều 10 nói về hoạt động công đoàn Việt Nam , điều 25 nói về tự do tính ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam... Một số đại biểu có ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề về bỏ Hội đồng Nhân dân cấp huyện, xã, thị trấn chỉ để lại Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra đại biểu đóng góp các vấn đề y tế, giáo dục đào tạo, công nhân lao động.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp tập hợp tất cả ý kiến của các đại biểu tham dự gửi về Ủy ban sửa đổi dự thảo Hiến pháp, tiếp tục phối hợp tổ chức các cơ sở lấy ý kiến góp ý sửa đổi dự thảo Hiến pháp năm 1992 trong nhân dân.

Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến cấp ủy các huyện, thành phố trong tỉnh.

Vĩnh Long chú trọng công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ, hiểu sâu sắc việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhằm đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Tỉnh đã triển khai đến tận các chi bộ cơ sở thông qua sinh hoạt thường lệ của chi bộ tháng 1/2013; thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh do Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy làm trưởng ban; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; phân công cụ thể công việc cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo.

Từ ngày 21/1-28/2, các cơ quan, tổ chức, Hội đồng Nhân dân huyện, thành phố, xã phường, thị trấn trong tỉnh Vĩnh Long tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên địa bàn tỉnh. Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 11 chương và 124 điều.

Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học, các tổ chức tôn giáo…căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo đúng mục đích, yêu cầu, thời gian kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng nhằm phát huy trí tuệ của người dân.

Ban chỉ đạo của tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức phù hợp như: hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đóng góp qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được tập hợp thành báo cáo gửi về Ban chỉ đạo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Vĩnh Long trước ngày 5/3 để báo cáo về Trung ương đúng quy định./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục