Các doanh nghiệp kinh doanh nhà nổi ở Hồ Tây đã ngừng hoạt động

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh trên mặt nước tại khu vực bến thủy nội địa Hồ Tây ngừng kinh doanh theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Các doanh nghiệp kinh doanh nhà nổi ở Hồ Tây đã ngừng hoạt động ảnh 1Một số phương tiện thủy nội địa đã bị bỏ không, nhưng vẫn neo đậu ở khu vực này từ khá lâu. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Sau nhiều lần Hà Nội ra thông báo di dời tàu và nhà nổi ở bến thủy nội địa Hồ Tây chưa thành công, thì lần này với quyết tâm cao Hà Nội đang kiên quyết giải tỏa, di dời các phương tiện đường thủy ở khu vực này về bến mới, để trả lại vẻ phong quang, sạch đẹp cho Hồ Tây.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đang nỗ lực giải quyết hài hòa cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan vừa bảo đảm được cảnh quan môi trường, xanh, sạch đẹp, vừa đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp phát triển.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh trên mặt nước tại khu vực bến thủy nội địa Hồ Tây ngừng kinh doanh theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố. Một số tàu đã tự di dời về khu vực Đầm Bẩy (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) theo thông báo.

Tuy nhiên, một số tàu vẫn chưa di dời theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Mặc dù, trước đó ngày 17/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng đã ký công văn số 35/KH - UBND thông báo về việc tháo dỡ, di dời các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi trên Hồ Tây trước ngày 10/3/2017.

Tìm hiểu sự việc chậm di dời, ô ng Cao Ngọc Lâm, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xúc tiến Thương mại và Dịch vụ Tây Hồ cho biết: “Doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng cho chúng tôi biết các tiêu chí điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng để kinh doanh hoạt động trở lại. Nếu không được hoạt động thì xin thành phố xem xét sớm hỗ trợ bồi thường để công ty tái cơ cấu sản xuất; xem xét tài sản của doanh nghiệp đã đầu tư và hiện đang kinh doanh trên Hồ Tây theo giá trị thực tế hiện tại; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề kinh doanh; hỗ trợ cho người lao động."

Phụ trách điều hành kinh doanh Công ty Cổ phần Sông Potomac Nguyễn Minh Thu cũng chia sẻ: “Công ty Potomac đồng thuận, chấp hành chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, nguyện vọng đang kinh doanh trên mặt nước Hồ Tây đã hơn 10 năm đầu tư vốn của cả gia đình vào con tàu mà không được nhận được đền bù, hỗ trợ nào thì chúng tôi chỉ còn nước phá sản, thất nghiệp.” 

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cũng cho rằng, đa số các doanh nghiệp đang hoạt động theo một số giấy phép đang còn hiệu lực. Theo ông Hướng, nếu ngừng kinh doanh thì quyền lợi, trách nhiệm đền bù với tài sản của doanh nghiệp, tàu bè, cầu tàu, tất cả thiết bị liên quan đến hoạt động trên mặt nước là điều tất yếu.

Theo ghi nhận, việc hoạt động kinh doanh mặt nước tại bến thủy nội địa Hồ Tây trước đây khá lộn xộn như: vấn đề môi trường, phóng chống cháy nổ, thu thuế... Chính vì vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra quyết định thiết lập lại trật tự khu vực này bằng việc di dời các phương tiện đường thủy nội địa và nhà nổi về khu vực Đầm Bảy (phường Nhật Tân). Từ đó, trên cơ sở rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn liên quan và việc bổ sung hoàn thiện hồ sơ của doanh nghiệp, thành phố sẽ xem xét có cho kinh doanh tiếp hay không. Còn đối với những đơn vị không đủ điều kiện kinh doanh, Hà Nội sẽ cương quyết loại bỏ, đồng thời xem xét các văn bản pháp lý liên quan để xác định có đền bù hay không theo đúng quy định pháp luật.

Việc di dời các phương tiện đường thủy khỏi bến thủy nội địa Hồ Tây không phải thời điểm này mới được đề cập tới. Bởi vào ngày 17/3/2016, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng về việc đầu tư xây dựng và quản lý bến thủy nội địa Hồ Tây.

Trong văn bản nêu rõ, sau khi nghe Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ báo cáo về thực trạng quản lý phương tiện thủy trên Hồ Tây và việc đầu tư xây dựng mới bến thủy nội địa tại khu vực Đầm Bẩy (Phường Nhật Tân) để di chuyển, quản lý các phương tiện thủy nội địa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kết luận: Kiên quyết loại bỏ các phương tiện thủy không bảo đảm đủ điều kiện hoạt động, kinh doanh trên Hồ Tây.

Tiếp theo đó, ngày 7/2/2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục có Thông báo số 38/TB-UBND thông báo Kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh tại khu vực Hồ Tây và giải quyết những kiến nghị liên quan của doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, quản lý, khai thác khu vực Hồ Tây thành một điểm du lịch, văn hóa tiên tiến, có điều kiện kinh doanh dịch vụ, văn hóa, vui chơi giải trí và có hệ thống xử lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ người dân Thủ đô, cũng như du khách trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục