Các động thái đầu tiên của Trung Quốc nhằm định nghĩa dự án BRI

Việc sử dụng “không kiểm soát” tên gọi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) cho các dự án đã gây ra những hoài nghi về quy mô của sáng kiến BRI trên thế giới.
Các động thái đầu tiên của Trung Quốc nhằm định nghĩa dự án BRI ảnh 1(Nguồn: eurasiareview.com)

Trang mạng Bloomberg.com dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đang soạn thảo các điều luật cho hoạt động đầu tư nước ngoài được coi là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Động thái này đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm định nghĩa rõ hơn chính sách ghi dấu ấn của ông.

Các nguồn tin yêu cầu giấu tên cho hay kế hoạch này - hiện chưa được hoàn tất - là nhằm mục tiêu ngăn chặn các công ty lạm dụng vỏ bọc BRI.

Việc sử dụng “không kiểm soát” tên gọi này cho các dự án đã gây ra những hoài nghi về quy mô của sáng kiến BRI trên thế giới.

Một nguồn tin cho biết Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đang nghiên cứu danh sách các dự án hợp pháp trong BRI được chính phủ Trung Quốc công nhận.

Danh sách này sẽ bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân, giúp chính phủ thúc đẩy quy định của các dự án. NDRC và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận nào.

Trung Quốc đang tìm cách phản bác các chỉ trích ngày một gia tăng về sáng kiến ghi dấu ấn của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh ngày có càng nhiều quan ngại rằng gánh nặng nợ lớn sẽ khiến các chính phủ nước ngoài bị “tổn thương” trước các mục tiêu chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh.

Tháng 11/2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cảnh báo các nước châu Á-Thái Bình Dương về việc nhận tiền của Trung Quốc, và nói thêm rằng Mỹ sẽ không “đề xuất một vành đai ‘bó hẹp’ hay một con đường ‘một chiều.’

Chính phủ các nước châu Á đang đánh giá lại đầu tư của Trung Quốc. Malaysia đang đàm phán với Trung Quốc về việc “hạ giá” dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD mà họ dừng triển khai sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad nắm quyền.

[Vì sao Phương Tây chia rẽ trong vấn đề ký kết BRI với Trung Quốc?]

Myanmar thu hẹp quy mô dự án xây cảng được khởi động dưới thời chính quyền quân đội trong khi quốc gia đang chìm trong nợ nần Maldives đã loại bỏ chính quyền thân Trung Quốc năm ngoái.

Tập Cận Bình - người chuẩn bị tiếp đón hơn 40 nguyên thủ quốc gia tại Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 2 ở Bắc Kinh vào cuối tháng 4 này - đã chứng kiến những thành công gần đây xen lẫn hoài nghi.

Biên bản ghi nhớ được ký kết hồi tháng trước với Italy - quốc gia đầu tiên trong nhóm G-7 tham gia sáng kiến này - đã khiến Phó Thủ tướng Matteo Salvini cảnh báo về nguy cơ “thực dân hóa Italy.”

Tập Cận Bình đã công bố “dự án thế kỷ” nhằm khôi phục các tuyến thương mại thời cổ đại trên khắp Á-Âu hồi năm 2013.

Chính phủ Trung Quốc kể từ đó đã đổ hàng tỷ USD vào kế hoạch này, từ châu Phi tới Nam Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về các dự án được cho là một phần trong BRI, biến BRI trở thành “thuật ngữ chung chung” cho tất cả hoạt động mà các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài.

Theo một báo cáo hồi năm 2017 của công ty luật Baker McKenzie, “BRI nên được hiểu là một bản tuyên bố sứ mệnh thay vì văn bản chính sách, bởi nó không có danh sách các nước thành viên và định nghĩa chính xác dự án BRI là gì.”

Trung Quốc đã tìm cách nhấn mạnh sự tham gia của nhiều nước khác nhau và đề xuất xóa nợ hàng tỷ USD cho các nước châu Phi nhằm phản bác các chỉ trích cho rằng trọng tâm của chương trình này là nhằm lan tỏa ảnh hưởng của Tập Cận Bình.

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề đánh dấu 5 năm ra đời BRI hồi tháng 8/2018, ông Tập nói: “BRI là sáng kiến vì hợp tác kinh tế - thay vì là liên minh địa chính trị hay liên minh quân sự - và đây là tiến trình rộng mở và bao trùm thay vì là một khối tách biệt hay là "câu lạc bộ của Trung Quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục