Các dự án cấp điện cho miền Nam: Còn vướng giải phóng mặt bằng

Ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) cho biết khó khăn hiện nay là một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Các dự án cấp điện cho miền Nam: Còn vướng giải phóng mặt bằng ảnh 1Công nhân chỉnh trang sân trạm biến áp 500kV Mỹ Tho. (Ảnh Mai Phương/Vietnam+)

Trung tâm điện lực Duyên Hải tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có tổng công suất 4.200 MW bao gồm 3 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 2 và 3. Đây là một trong những trung tâm điện lực lớn nhất cả nước.

Để truyền tải hết công suất của các nhà máy trong Trung tâm cấp điện cho miền Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang tập trung triển khai các dự án lưới điện đồng bộ.

Trong đó, ​đường dây 500 kV Nhiệt điện Duyên Hải-Mỹ Tho và trạm biến áp 500 kV Mỹ Tho có tiến độ đồng bộ với tổ máy 1 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.

Mặc dù vậy, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đang ảnh hưởng đến tiến độ các dự án nếu chủ đầu tư, nhà thầu thi công và chính quyền địa phương có đường dây đi qua không vào cuộc quyết liệt; trong đó, địa phương có vai trò quyết định.

Với tổng mức đầu tư 4.359 tỷ đồng, đường dây 500 kV Nhiệt điện Duyên Hải-Mỹ Tho được xây dựng trên chiều dài 113km, đi qua địa bàn 11 huyện, thị xã thuộc 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ là Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Hiện các đơn vị thi công đã dựng xong 185/241 vị trí cột, đang dựng 13 vị trí.

Ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) cho biết khó khăn hiện nay là một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Bên cạnh đó, một số vị trí người dân yêu cầu giá đền bù cao hơn quy định của Nhà nước. Thậm chí có hộ nằm ngoài hành lang tuyến cũng đề nghị được đưa vào diện đền bù.

Cụ thể , phần móng có 3 vị trí vướng nhất là vị trí 128 thuộc huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) đã đúc bêtông lót từ năm 2014 nhưng chủ đất không cho thi công do chưa đồng ý giá đền bù và yêu cầu bồi thường đất ruộng như đất thổ cư.

Vị trí 187 vượt sông Cổ Chiên thuộc xã Vĩnh Bình (Bến Tre) đã đóng cọc được 3/4 số lượng nhưng do thi công gây nứt nhà dân, đơn vị thi công đã đền bù thiệt hại nứt nhà được 17/20 nhà, còn 3 hộ yêu cầu đền bù giá quá cao nên chưa thương lượng được.

Vị trí 196 vượt sông Tiền tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) các hộ dân vẫn chưa nhận tiền đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng thi công đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nguyên do các hộ dân yêu cầu bồi thường thêm hơn 700 triệu đồng cho hơn 1.000m2 sầu riêng bị ảnh hưởng.

Đội trưởng Đội thi công Công ty Xây lắp điện 2 cho biết đơn giá của tỉnh Tiền Giang áp bồi thường là hơn 2 triệu đồng/cây sầu riêng.

Tuy nhiên, ngay tại vị trí 197, thuộc xã Ngũ Hiệp, hộ dân lại yêu cầu đền bù đến 12-17 triệu đồng/cây (tùy theo năm tuổi). Với hơn 200 cây sầu riêng bị ảnh hưởng chủ yếu là lâu năm nên ngoài đơn giá của tỉnh hỗ trợ, dân còn yêu cầu bồi thường thêm 487 triệu đồng.

Đối với hành lang tuyến, cũng theo ông Phong còn 1.264 hộ có nhà trong hành lang tại các huyện Vũng Liêm, Măng Thít (Vĩnh Long) chưa có quyết định phê duyệt phương án đền bù, đang áp giá, niêm yết trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong khu vực tỉnh Trà Vinh, đường dây 500kV Duyên Hải-Mỹ Tho đi qua 5 huyện là Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và Càng Long với tổng số 122 vị trí cột. Đến thời điểm hiện tại đã bàn giao mặt bằng thi công toàn bộ móng. Phần móng và hành lang làm ảnh hưởng đến 1.626 hộ, hiện chỉ còn 101 hộ chưa nhận tiền đền bù do khiếu nại về đơn giá.

Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) là đơn vị có khối lượng thi công lớn nhất gồm 60 vị trí với chiều dài 29,5km đi qua địa bàn 3 huyện Cầu Ngang, Châu Thành và Càng Long. Tại khoảng néo 91 - 92 ở huyện Càng Long đơn vị thi công đang rải dây, ông Ngô Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc khẳng định đến 15/11 sẽ hoàn thành kéo dây trong cung đoạn đơn vị đảm nhiệm.

“Khó khăn vẫn chủ yếu là đền bù giải phóng mặt bằng do trong gói thầu đơn vị thực hiện hộ bị ảnh hưởng chủ yếu là người Khmer nên chưa hiểu sâu về lợi ích của dự án đem lại. Mặc dù các Phó Chủ tịch huyện đều là Chủ tịch Hội đồng đền bù tại địa phương cũng tích cực cùng với đơn vị thi công đôn đốc giải phóng mặt bằng,” ông Cường chia sẻ.

Trong khu vực tỉnh Bến Tre, đường dây đi qua huyện Chợ Lách còn 10/149 hộ chưa nhận tiền đền bù do khiếu nại về đơn giá.

Ông Võ Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xây lắp điện 1 cho biết, tỉnh đã chỉ đạo huyện và thống nhất đơn giá đền bù, thiệt hại đến đâu thì trả đến đó.

Mặc dù vậy, 3 hộ trong diện giải phóng mặt bằng tại vị trí 187 yêu cầu đền bù cả những diện tích không bị ảnh hưởng. Nếu không xử lý rốt ráo thì cũng sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các hộ khác.

Đường dây đi qua tỉnh Tiền Giang, có 46 vị trí cột đi qua huyện Châu Thành, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy còn 40/351 hộ ở huyện Cai Lậy chưa nhậ n tiền do khiếu nại đơn giá đền bù.

308/387 hộ ở thị xã Cai Lậy đang tiếp tục chi trả tiền đền bù và tại đây, các hộ cũng chưa cho đơn vị thi công dựng trụ. Tại huyện Châu Thành chỉ còn 2 hộ phần hành lang chưa nhận tiền do khiếu nại đơn giá.

Ông Hồ Phi Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây lắp điện 4 cho biết vị trí 128 thuộc xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long là vị trí khó khăn nhất trong gói thầu đơn vị đảm nhiệm do dân yêu cầu tiền đền bù gần mặt đường từ hơn 200 triệu lên hơn 500 triệu đồng mặc dù ở vị trí số 3 (cách quốc lộ 100m) và là đất nông nghiệp, không phải là vị trí 1.

Không chỉ Đường dây 500kV Duyên Hải-Mỹ Tho vướng ở giải phóng mặt bằng, mà các dự án lưới điện 220kV đồng bộ với trạm biến áp 500 kV Cầu Bông như Đường dây 220 kV Cầu Bông-Đức Hòa hiện nay vẫn chưa xong phương án giá, nên chưa có phương án bồi thường.

Các hộ đề nghị phải trả tiền mới cho kéo dây. Đường dây đi qua địa bàn các xã Nhuận Đức, Phước Thạnh, Thái Mỹ của huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa (Long An). Trong đó, phần móng và hành lang tuyến đều vướng ở huyện Củ Chi.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sông Đà 11 cho biết, riêng vị trí 34 thuộc xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, phải mất 1 năm rưỡi đàm phán mới xong giải phóng mặt bằng. “Nếu đến khoảng 10/10 xong phương án đền bù thì đến cuối tháng 10, đơn vị sẽ hoàn thành hơn 20km của gói thầu, từ vị trí 1-40. Tiến độ bị chậm so với hợp đồng là bàn giao tháng 12/2014,” ông Sơn nói.

Đối với Đường dây 220kV Cầu Bông-Hóc Môn-nhánh rẽ Bình Tân đi qua địa bàn các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Bình Mỹ thuộc huyện Củ Chi; các xã Đông Thạnh, Tam Thới Thôn thuộc huyện Hóc Môn và các phường Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp thuộc Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến thời điểm đầu tháng 10 này, theo SPMB, các địa phương cũng chưa thông qua phương án giá để trình thành phố phê duyệt nên chưa có phương án bồi thường phần móng và phần hành lang tuyến.

Tại vị trí 43, giá bồi thường do Nhà nước quy định là 150 triệu thì dân yêu cầu bồi thường 2 tỷ đồng, vì vậy, dự án khó đáp ứng tiến độ theo kế hoạch trong tháng 12/2015.

Toàn bộ khối lượng thi công hiện nay là do SPMB và nhà thầu thi công thương lượng, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng.

Vướng mắc của hai Dự án trên, theo đánh giá của ông Đoàn Tấn Phong là phương án giá (khảo sát theo thị trường) để áp vào phương án bồi thường móng và hành lang chưa được phê duyệt.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần có Công điện chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đóng điện dự án trong tháng 9/2015.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT, SPMB sau nhiều lần đăng ký đã họp được với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 9 vừa qua để đề xuất phương án tháo gỡ vướng mắc nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có tiến triển.

Trước thực tế này, SPMB đang tập trung bám sát và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12, các Sở, ban ngành có liên quan của thành phố tập trung giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để các dự án về đích đúng tiến độ.

Tại cuộc giao ban tiến độ các dự án lưới điện cấp bách cấp điện cho miền Nam diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 8/10, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho biết thời gian tới, Tổng công ty sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tháo gỡ một số cơ chế chính sách trong bồi thường, áp giá đền bù nhằm hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Đặng Phan Tường cũng yêu cầu các nhà thầu xây lắp đẩy nhanh tiến độ thi công khi được bàn giao mặt bằng, phấn đấu đóng điện Đường dây 500kV Duyên Hải-Mỹ Tho trong quý 1 năm 2016 trước khi phát điện tổ máy 1 nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3.

Đối với 3 dự án còn lại là Trạm biến áp 500kV Mỹ Tho và đấu nối, hai Đường dây 220kV Cầu Bông-Đức Hòa và Cầu Bông-Hóc Môn-nhánh rẽ Bình Tân phải hoàn thành trong năm nay. Nếu dự án chậm một ngày, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

“Không thể để một vài hộ dân mà làm ảnh hưởng đến toàn bộ các dự án,” ông Tường đề nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục