Các dự án metro của Thành phố Hồ Chí Minh: Vừa làm vừa lo

Không chỉ "đội vốn," các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác, trong đó có vấn đề thiếu tiền.
Các dự án metro của Thành phố Hồ Chí Minh: Vừa làm vừa lo ảnh 1Công nhân thi công trên công trường tuyến Metro số 1. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Tăng vốn, chậm giải ngân, thiếu tiền nhà thầu... tiếp tục là những vấn đề nổi cộm được Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại buổi thông tin về tiến độ thực hiện các dự án metro đang được triển khai trên địa bàn, diễn ra ngày 8/9.

Từ đội vốn...

Tuyến metro số 1 giai đoạn 1 (Bến Thành-Suối Tiên, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020) dài 19,7km, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 2,49 tỷ USD (tương đương 47.325 tỷ đồng, chủ yếu vốn vay ODA của Nhật Bản).

Đề cập về nguyên nhân “đội vốn," ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết dự án được nghiên cứu từ năm 2006 (vốn phê duyệt ban đầu là 17.000 tỷ đồng) do đơn vị tư vấn trong nước thiếu kinh nghiệm làm đường sắt đô thị nên chưa cập nhật được giá.

Đến năm 2008, dự án được Chính phủ đồng ý nghiên cứu cụ thể, với sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm nên đã được tính toán lại, đưa ra tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng.

Vốn đầu tư sau điều chỉnh này đã được ý kiến đồng thuận của các bộ, ngành liên quan. Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân thành phố đã mời đơn vị thẩm định của Singapore đánh giá lại. Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong khi đó, tuyến metro số 2 giai đoạn 1 Bến Thành-Tham Lương (dài 11,042km) cũng trong tình trạng “đội vốn."

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 1,374 tỷ USD, sau khi cập nhật ý kiến của các bộ, ngành đã được tăng lên tới 2,173 tỷ USD. Dự kiến trong tháng 9 này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án).

Về công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban Nhân dân các quận nơi dự án metro số 2 đi qua (quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, quận 12) đã ban hành thông báo thu hồi đất, dự kiến phải đến tháng 6/2018 mới bắt đầu tiến hành ban giao mặt bằng. Như vậy, vẫn chưa thể “chốt” được thời điểm dự án tuyến metro số 2 có thể khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Với tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền-Cầu Sài Gòn), hiện tại thành phố đã thu xếp được gần 1 tỷ euro cam kết tài trợ từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức và Ngân hàng Đầu tư châu Âu, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố khoảng 400 triệu euro.

[TP.HCM: Nghịch lý giải ngân vốn đầu tư khiến dự án Metro bị chậm trễ]

Thông tin về tiến độ tuyến metro số 1, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 cho biết cập nhật đến ngày 7/9, gói thầu CP1a - xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga nhà hát thành phố đạt tổng thể 13,5% khối lượng; gói thầu CP1b - xây dựng đoạn ngầm từ ga nhà hát thành phố đến ga Ba Son đạt 51%; gói thầu CP2 - xây dựng đoạn trên cao và depot từ ga Ba Son đến depot Long Bình đạt 69,5%.

Trong khi đó, gói thầu CP3 - mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng đạt 18%; gói thầu CP4 - hệ thống thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành và bảo dưỡng, dự kiến sẽ triển khai thiết kế kỹ thuật vào đầu năm 2018.

... đến thiếu tiền

Không chỉ "đội vốn," các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn phải đối mặt với nhiều nhiều nỗi lo khác, trong đó có vấn đề thiếu tiền. Điều này đưa đến nghịch cảnh chủ đầu tư vừa phải lo làm vừa phải lo đi xin ứng tiền thanh toán cho nhà thầu.

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 9/2016, việc phân bổ vốn ODA cho tuyến metro số 1 tạm dừng. Nhiều lần Ban quản lý đã làm việc với nhiều cơ quan ban ngành Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Nhu cầu vốn ODA tuyến metro số 1 cho cả năm 2017 ở mức 5.400 tỷ đồng nhưng đến tháng 4/2017, Trung ương chỉ phân bổ khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Do không có tiền trả cho công nhân dịp Tết 2017 nên Ban Quản lý đường sắt đô thị đã xin thành phố cho ứng 600 tỷ đồng. Vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục cho ứng 500 tỷ đồng để Ban quản lý đường sắt đô thị thanh toán cho nhà thầu. Việc giải ngân vốn chậm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án tuyến metro số 1. Ngay cả việc ứng vốn 500 tỷ đồng nói trên cũng không đủ nhu cầu vì mỗi tháng giá trị cần thanh toán cho nhà thầu khoảng 500-600 tỷ đồng. Vì thế, thành phố mong mỏi các bộ ngành quan tâm giải quyết vốn không chỉ cho tuyến metro số 1 mà còn cho cả thành phố để đầu tư hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bẩo các dự án được triển khai đúng tiến độ," ông Lê Nguyễn Minh Quang nói.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến từ tháng 10/2017, đơn vị thì công sẽ bắt đầu tiến hành lắp đường ray nhưng đang vướng thủ tục. Trước đây, đường ray là mặt hàng được miễn thuế nhưng mới đây, đã có thông tư liên quan yêu cầu xem xét lại vấn đề này. Vì thế, các thiết bị, vật tư để lắp đường ray đang bị ách lại ở cảng.

Ban Quản lý đường sắt đô thị đang phối hợp với các sở ngành liên quan tìm hướng tháo gỡ nhằm đưa hàng ra nhanh cho nhà thầu thi công lắp đặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục