Các hãng hàng không châu Á trước thách thức về an toàn bay

Vụ tai nạn vừa mới xảy ra với máy bay của hãng hàng không TransAsia của Đài Loan một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đối với thách thức về an toàn bay.
Các hãng hàng không châu Á trước thách thức về an toàn bay ảnh 1Firefly là hãng hàng không giá rẻ nhất thế giới. (Nguồn: AFP)

Vụ tai nạn vừa mới xảy ra với máy bay của hãng hàng không TransAsia của Đài Loan một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đối với thách thức về an toàn mà các hãng hàng không châu Á đang phát triển nhanh chóng phải đối mặt.

Ngày 4/2, chiếc máy bay ATR 72-600 của TransAsia khởi hành từ sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc đã gặp nạn chỉ 10 phút sau khi cất cánh, khiến 31 người thiệt mạng và 15 người bị thương.

Phát biểu tại họp báo, Giám đốc TransAsia Peter Chen cho biết chiếc máy bay gặp nạn là "loại đời mới nhất," song một trong những động cơ của máy bay đã được thay thế gần đây.

Chính quyền địa phương cho biết chiếc máy bay này đã được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2014 và được kiểm tra an toàn vào tháng 1/2015.

Cơ trưởng của máy bay TransAsia đã có kinh nghiệm 14.000 giờ bay và cơ phó đã trải qua 4.000 giờ bay.

Đây không phải là lần đầu tiên máy bay ATR-72 gặp nạn tại Đài Loan. Tháng 7/2014, máy bay ATR-72 mang số hiệu GE222 cũng của TransAsia đã rơi xuống quần đảo Bành Hồ làm 48 người thiệt mạng.

TransAsia đã nhanh chóng mở thêm các đường bay mới kể từ khi lên sàn chứng khoán Đài Loan năm 2011.

TransAsia và các hãng hàng không khác đang phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu đi lại bùng nổ khi tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo.

Tuy nhiên, các hãng hàng không sẽ phải duy trì các tiêu chuẩn khi tuyển thêm phi công, nhân viên bảo dưỡng, người điều vận và người phục vụ trên chuyến bay.

Theo các chuyên gia ngành hàng không, với mỗi máy bay mới được đưa vào hoạt động, các hãng hàng không sẽ phải thuê và đào tạo ít nhất 10-12 phi công và có thể là nhiều hơn.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, châu Á-Thái Bình Dương hiện chiếm 31% các hoạt động chuyên chở hành khách bằng đường không của toàn cầu.

Trong vòng hai thập niên, con số này được dự báo sẽ tăng lên 42%. Theo nhận định của hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần thêm 216.000 phi công mới trong 20 năm tới, con số lớn nhất trong số tất cả các khu vực trên thế giới, chiếm 40% nhu cầu phi công của toàn cầu.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là an toàn hàng không đã được đảm bảo hơn trong khi lượng hành khách tăng gấp đôi trong 15 năm qua.

Năm 2013, 3,1 tỷ lượt hành khách đã đi lại bằng đường hàng không trên toàn cầu, gấp đôi so với năm 1999. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trên các chuyến bay giảm.

Kể từ năm 2000, chưa tới ba trong số 10 triệu hành khách thiệt mạng, trong khi con số này của những năm 1990 là tám, trong những năm 1980 là 11 và những năm 1970 là 26./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục