Các kịch bản cho quốc phòng châu Âu thời hậu Brexit

Ông Jean-Claude de Miscault, nhà nghiên cứu độc lập và chuyên gia về quốc phòng, nhận định Brexit sẽ không ảnh hưởng đến dự án xây dựng quân đội châu Âu.
Các kịch bản cho quốc phòng châu Âu thời hậu Brexit ảnh 1Binh sỹ Anh. (Nguồn: RT)

Trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Pháp và Anh có ngân sách quốc phòng cao nhất. Theo các chuyên gia, việc Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, sẽ có những tác động nhất định đối với quốc phòng châu Âu.

Quân đội Anh là một phần quan trọng của quân đội châu Âu và Brexit sẽ làm tăng tầm quan trọng của quân đội Pháp ở EU. Tuy nhiên, mức độ hội nhập châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng còn yếu. Đó là sự hợp tác không cố định, hoặc trong khuôn khổ NATO, hoặc đa phương trên bình diện khu vực, đôi khi chỉ là song phương.

Do đó, ảnh hưởng của Brexit đối với quốc phòng châu Âu không lớn như trong lĩnh vực kinh tế, cho dù ngành công nghiệp quốc phòng Anh chiếm một vị trí quan trọng thông qua cổ phần tại các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn của châu Âu.

Ông Jean-Claude de Miscault, nhà nghiên cứu độc lập và chuyên gia về quốc phòng, nhận định Brexit sẽ không ảnh hưởng đến dự án xây dựng quân đội châu Âu, một sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thậm chí, Brexit còn thúc đẩy quá trình thực hiện dự án này do trước đó Anh luôn e ngại quân đội riêng của châu Âu sẽ tạo ra cạnh tranh với NATO. Nhiều quốc gia ngoài EU như Thụy Sĩ hoặc Na Uy cũng tham gia vào nhiều dự án quốc phòng châu Âu. Vì vậy vào thời kỳ hậu Brexit, EU vẫn sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Anh. Điều quan trọng là chính phủ các nước phải thể hiện sự đồng lòng trong các mục đích quân sự.

Sự ra đi của Anh chắc chắn là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử EU kể từ khi được mở rộng sang Trung Âu. Nó thể hiện một khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với các tổ chức châu Âu. Tác động của Brexit trong lĩnh vực quốc phòng phải được đánh giá trong tương quan các mối liên kết khác giữa EU và NATO, cũng như giữa các quốc gia châu Âu với nhau.

Các mối quan hệ phức tạp và chồng chéo nhau khiến giới chuyên gia đưa ra một số kịch bản cho thời hậu Brexit:

Tận dụng tối đa NATO

Cho đến nay, NATO vẫn là một tổ chức đảm bảo đáng tin cậy duy nhất đối với quốc phòng châu Âu.

NATO đã tự chứng tỏ khả năng thích nghi và cải tổ, cùng việc mở rộng sang Trung Âu sau năm 1989. Liên minh này đã đóng góp vào hòa bình ở châu Âu, giúp cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ không rơi vào xung đột vũ trang.

Trong những năm tới, NATO sẽ phải đối mặt với 2 tiến trình đáng lo ngại không kém gì Brexit. Thứ nhất là sự bất ổn chính trị của Mỹ với việc Tổng thống Donald Trump từ chối chủ nghĩa đa phương cùng khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" của ông. Tuy nhiên, sự tồn tại của NATO chắc chắn có giá trị đảm bảo cho lợi ích của Mỹ, khiến nước này không thể chấp nhận việc giải thể liên minh. Tiến trình chính trị thứ hai đang đặt ra nhiều dấu hỏi nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thành viên NATO này hiện đặc biệt lo ngại về tình hình biên giới phía Nam giáp Syria hơn là quan hệ với Nga, đối thủ chính của liên minh.

[Infographics] Thời điểm Brexit được lùi lại thêm 6 tháng

Tương lai của NATO, cũng giống như của EU, bao gồm hàng loạt vấn đề chưa có lời giải đáp rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng Brexit sẽ làm cho NATO vững chắc hơn. Không có quốc gia thành viên nào nghĩ đến việc rời bỏ liên minh quân sự này.

"Nhưng liệu Brexit có làm thay đổi mối quan hệ giữa Mỹ, EU và NATO? Thật khó có thể trả lời câu hỏi đó. NATO đã là một phần của công việc nội bộ châu Âu, một bộ máy phòng thủ khu vực hiệu quả. Điều đáng lo ngại chỉ xảy ra khi người ta coi NATO như một công cụ để tiến hành chiến tranh với các nước khác trên thế giới," ông De Miscault nhấn mạnh.

Phòng thủ đa tốc độ

Trong kịch bản này, EU sẽ có một chính sách hợp tác linh hoạt - song phương hoặc đa phương - trong lĩnh vực quốc phòng. Đó cũng là trường hợp của chính sách biên giới chung (không phải tất cả các nước EU đều ký Công ước Schengen) hay chính sách đồng tiền chung (đồng euro không được sử dụng tại tất cả các nước EU).

Pháp là một ví dụ trong việc thiết lập các mối quan hệ song phương trong EU hậu Brexit: Hiệp ước Elysée giữa Pháp và Đức, Hội đồng quốc phòng và an ninh Pháp-Italy, Hội đồng quốc phòng và an ninh Pháp-Tây Ban Nha, Hiệp định Lancaster House giữa Pháp và Anh.

Trong khi đó, Anh vẫn sẽ là thành viên của Tổ chức hợp tác vũ khí chung, cùng với Bỉ, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha. Chưa tính đến sự tham gia của các công ty châu Âu trong lĩnh vực sản xuất vũ khí và khí tài quân sự.

Do đó, kịch bản này hướng tới việc nhân rộng các loại hình hợp tác theo từng trường hợp cụ thể, tất nhiên không thể bỏ qua NATO, yếu tố đảm bảo hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

EU - trụ cột châu Âu của Liên minh Đại Tây Dương

NATO đã và sẽ luôn là yếu tố đảm bảo cho quốc phòng châu Âu. Đây là tổ chức duy nhất có mức độ tương tác và hoạt động hiệu quả cao.

Để tạo nên một "trụ cột châu Âu" thực sự của NATO, các nước EU cần có phương cách riêng tương thích với các thành viên khác của NATO, nhưng vẫn có khả năng hoạt động tự chủ thông qua một hệ thống thông tin và chỉ huy hoàn chỉnh và công tác hậu cần chung. EU hậu Brexit sẽ trở thành một "quốc gia" của NATO, tham gia vào Bộ chỉ huy quân sự. Theo kịch bản này, các quốc gia EU phải cam kết sẽ tham gia vào "trụ cột châu Âu của NATO" như một ràng buộc cho việc gia nhập NATO. Cam kết chính trị này sẽ phải đi kèm với một cam kết tài chính, ví dụ như đóng góp bắt buộc 0,5% GDP, ngân sách quốc phòng ít nhất 2% GDP...

Anh, một quốc gia NATO tại châu Âu nhưng khi không còn là thành viên của EU, sẽ có vị trí tương tự trong NATO như Canada hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ duy trì tư cách thành viên không có một vai trò pháp lý đặc biệt, nhưng vẫn là lãnh đạo thực tế.

Sự định hình lại Liên minh châu Âu

Về cơ bản, thế giới ngày mai sẽ là đa cực trong khi thế giới của ngày hôm qua, kể từ năm 1945, ban đầu là lưỡng cực khi Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Cộng sản đụng độ, sau đó là đơn cực vào thời kỳ Mỹ nắm quyền lực duy nhất từ năm 1989 đến năm 2010. Tình hình đã thay đổi với sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự phục hồi của Nga như là một nhân tố hàng đầu.

Trong bối cảnh này, việc định hình lại EU, khi không có Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, sẽ là một bước tiến đáng kể. Theo các nhà phân tích, sẽ phải tính đến một số yếu tố.

Đầu tiên phải thừa nhận rằng EU mới này sẽ nhiều phần lục địa hơn, ít phần Đại Tây Dương hơn và ít nói tiếng Anh hơn. Cuộc khủng hoảng di cư cũng không bị Brexit gây tác động nhiều. Một câu hỏi khác đặt ra là liệu châu Âu mới có chấp nhận những thành viên mới, như Serbia và Montenegro (đang đàm phán), Albania và Bắc Macedonia (ứng cử viên chính thức), Bosnia-Herzegovina trong tương lai không chắc chắn và Kosovo (không thuộc Liên hợp quốc).

EU mới, với gần 500 triệu dân, cũng sẽ phải khẳng định chính mình khi đối mặt với một bên là Mỹ, một bên là Nga và Trung Quốc. Nó nên tạo cho mình một vai trò quan trọng đối với thế giới nói chung. Đó sẽ không phải là vấn đề nhỏ bởi vì các nước châu Âu có những quan điểm rất khác nhau.

Kịch bản nào sẽ trở thành sự thật? Các chuyên gia khẳng định rằng điều đó không chỉ phụ thuộc vào EU và các quốc gia thành viên, mà còn phụ thuộc vào các quyết định trong một vài năm tới của Anh và Mỹ, cũng như của Nga và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục