Các nền kinh tế châu Á cần cẩn trọng trước "bão nợ"

Trước thềm cuộc bầu cử Hy Lạp vào ngày 17/6 tới, mối lo sợ về khả năng "xứ sở các vị thần" phải ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) đang ngày càng tăng và nguy cơ tác động lan tràn của nó khiến các nền kinh tế mới nổi tại châu Á cần cẩn trọng hơn.

Mặc dù thể trạng của các nền kinh tế là tương đối tốt, song điều đó chưa giúp đảm bảo an toàn, với các thị trường chứng khoán và tiền tệ của họ chao đảo mạnh thời gian qua.
Trước thềm cuộc bầu cử Hy Lạp vào ngày 17/6 tới, mối lo sợ về khả năng "xứ sở các vị thần" phải ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) đang ngày càng tăng và nguy cơ tác động lan tràn của nó khiến các nền kinh tế mới nổi tại châu Á cần cẩn trọng hơn.

Mặc dù thể trạng của các nền kinh tế là tương đối tốt, song điều đó chưa giúp đảm bảo an toàn, với các thị trường chứng khoán và tiền tệ của họ chao đảo mạnh thời gian qua.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến "rắc rối" về tài chính tại "lục địa già" sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á năm nay giảm xuống 7,6%, so với mức tăng 8,2% trong năm 2011.

Theo WB, đà tăng trưởng chậm lại tại Đông Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, là do chịu tác động của môi trường bên ngoài yếu đi. Bản báo cáo nhấn mạnh bất kỳ tình hình xấu đi nghiêm trọng nào tại châu Âu cũng đều tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Đông Á và làm giảm tỷ lệ tăng trưởng của các khu vực khác.

Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Nomura Equity Research cho rằng, trong kịch bản tồi tệ hơn là Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone, châu Á vẫn có những cơ hội đầu tư lớn.

Theo Nomura, hầu hết các nền kinh tế châu Á vẫn có nhiều chính sách như cắt giảm lãi suất, kích thích kinh tế và với nền tài chính vững mạnh, các biện pháp này sẽ có hiệu quả hơn so với phương Tây.

Nomura dự kiến nếu gặp phải kịch bản xấu, Ngân hàng trung ương Thái Lan sẽ hạ 0,25% lãi suất, trong khi Ngân hàng trung ương Ấn Độ và Malaixia sẽ hạ 1,25% lãi suất.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á sẽ được hưởng lợi từ sự sụt giảm mạnh của giá hàng hóa.

Nomura nhấn mạnh giá hàng hóa giảm sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường chuyên sản xuất hàng hóa tại Mỹ Latinh và Trung Đông, song lại có tác động tích cực đến châu Á, khi giúp giảm hóa đơn nhập khẩu, kiềm chế lạm phát và giảm mức chi ngân sách cho chương trình trợ cấp. Một lợi ích khác là dòng chảy vốn.

Trong kịch bản của Nomura, các ngân hàng trung ương sẽ tiến hành các biện pháp nới lỏng tiền tệ và điều này sẽ tạo điều kiện cho dòng chảy vốn đổ mạnh vào châu Á, như đã từng xảy ra trong những năm gần đây.

Ngoài ra, công ty nghiên cứu Credit Suisse Research (Thụy Sỹ) đánh giá rằng, với các nền tảng (kinh tế) vững mạnh trong nước, tài chính ổn định và sự linh hoạt trong chính sách là những nhân tố đảm bảo các nền kinh tế châu Á có thể đứng vững trước những diễn biến phức tạp mới của cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone./.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục