Các nền kinh tế hàng đầu đã xuất hiện gam màu sáng

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 8/6 nhận định bức tranh ảm đạm của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bắt đầu xuất hiện những gam màu mới tươi sáng hơn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 8/6 nhận định bức tranh ảm đạm của các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã bắt đầu xuất hiện những gam màu mới tươi sáng hơn.
 
Căn cứ số liệu thống kê của tháng 4/2009, OECD cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới đã có dấu hiệu suy giảm.
 
Theo tổ chức này, hiện còn quá sớm để nói rằng những số liệu của các nước công nghiệp hàng đầu đánh dấu "một bước ngoặt tạm thời hay lâu dài", nhưng có thể khẳng định "bão" tài chính đã bớt phần khắc nghiệt tại những nước này.
 
Số liệu mới nhất cho thấy nhịp độ suy thoái ở hầu hết các nền kinh tế thành viên OECD đã bắt đầu chậm lại, rõ rệt nhất tại Canada, Pháp, Italy và Anh. Ngoài ra, kinh tế các nước Đức, Nhật Bản và Mỹ cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
 
Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng ngày nhận định nền kinh tế các nước khu vực đồng euro cũng đã xuất hiệu những dấu hiệu cải thiện. Theo tổ chức tài chính đa phương này, chính phủ 16 nước thành viên một mặt cần tiếp tục các nỗ lực ổn định hệ thống ngân hàng, một mặt cần hành động quyết liệt hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Tháng 4 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro năm nay là âm 4,2% và năm 2010 sẽ là 0,4%.
 
Tuy nhiên, OECD cũng thận trọng cảnh báo tình hình tại các nước đang phát triển và mới nổi không mấy khả quan. Tổ chức này cho rằng các quốc gia không thuộc OECD gồm 30 thành viên vẫn phải "đối mặt với các điều kiện xấu đi", ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Trong khi đó, theo giới phân tích kinh tế quốc tế, giới đầu tư tại các nước đang phát triển đang chứng kiến một sự hồi sinh. Sau sự sụp đổ năm 2008 và đầu năm 2009, thị trường chứng khoán ở các nước đang phát triển đã xuất hiện những dấu hiệu lạc quan cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã bắt đầu, nhất là tại Trung Quốc. Cơ hội phát triển của các thị trường này thậm chí còn tốt hơn các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu.
 
Trong quý I/2009, chỉ số chứng khoán Nifty của Ấn Độ tăng 64%, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc ở Thượng Hải và Thâm Quyến tăng 37%, chỉ số Bovespa của Brazil tăng 41%, cao hơn nhiều so với mức tăng 28% của chỉ số Standard & Poor's (S&P) 500 của Mỹ.
 
Cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho rằng Trung Quốc có thể góp phần đưa thế giới thoát khỏi "bão" tài chính hiện nay khi trong quý I/2009, mức tăng trưởng kinh tế của nước này vượt xa mọi dự đoán.
 
Theo ông, sự tăng trưởng nhanh chóng của quốc gia đông dân nhất thế giới này đã thúc đẩy thương mại quốc tế và tạo ra một thị trường sản phẩm, dịch vụ mới khổng lồ cho các tập đoàn phương Tây./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục