Các nền kinh tế mới nổi ở châu Phi hấp dẫn FDI

IMF nhấn mạnh các nền kinh tế mới nổi của châu Phi có triển vọng phát triển lạc quan trong năm 2011 và ngày càng hấp dẫn FDI.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 13/1 nhấn mạnh các nền kinh tế mới nổi của châu Phi có triển vọng phát triển lạc quan trong năm 2011 và ngày càng hấp dẫn nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).

Các đối tác thương mại châu Á mới của châu Phi đã tăng cường đầu tư FDI vào Lục địa Đen và nhu cầu trái phiếu châu Phi cũng đang tăng lên trên thị trường trái phiếu quốc tế.

Các nhà phân tích kinh tế và đầu tư quốc tế cho rằng trong khi các nước khu vực Sahara châu Phi - thị trường mới nổi của châu lục này - đang nỗ lực thu hút các nguồn FDI cho các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các đối tác thương mại châu Á cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trực tiếp vào khu vực này để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với những hàng hóa và dịch vụ mà châu Phi có thể cung cấp.

Với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, IMF đang tăng cường trợ giúp kỹ thuật cho các nước châu Phi quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của châu lục này trong bối cảnh các dự án FDI đầu tư khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu Phi đang tăng lên.

Nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của các nước khu vực Sahara châu Phi đã lên tới 93 tỷ USD/năm. Các dự án này, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển vận tải và năng lượng, có thể cải thiện nhanh chóng cơ hội phát triển và tăng năng lực các dịch vụ công của các nước châu Phi, góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của châu lục Đen.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính IMF cũng cảnh báo rằng mặc dù cần đa dạng các nguồn tài chính đầu tư công, các nước châu Phi cũng cần một chế độ hối đoái phù hợp và linh hoạt để giảm tác động tiêu cực của dòng vốn FDI tăng đột biến này trong bối cảnh nhiều nước châu Phi vẫn hạn chế về năng lực quản trị kinh tế và có nguy cơ mất ổn định chính trị lớn.

Trong năm 2011, IMF cam kết tiếp tục trợ giúp các nước châu Phi xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô và hối đoái đủ mạnh để quản lý dòng vốn FDI và gánh nặng nợ mới để châu Phi có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội mới về các dự án khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục