Lượng người tăng đột biến ở các tuyến đường cửa ngõ thủ đô đã khiến giao thông ở những khu vực này ùn tắc khá nghiêm trọng. Trong khi đó, phần lớn các bến xe ở Hà Nội đều rơi vào tình trạng nghẽn người vì người dân đổ xô về quê nghỉ lễ 2/9.
Hối hả rời thủ đô Ngay từ thời điểm 16 giờ chiều, nhiều tuyến đường hướng ra ngoại thành Hà Nội đã “nóng” một cách bất thường. Tại dọc trục đường Khuất Duy Tiến-Phạm Hùng, lượng người tăng đột biến khiến giao thông khu vực này khá ngột ngạt. Phần lớn những điểm ùn tắc xuất hiện chủ yếu ở những ngã ba, ngã tư giao cắt. Lượng xe máy tăng đột ngột so với ngày thường khiến tại hầu hết những điểm dừng đỗ đèn đỏ, dòng người phải ì ạch di chuyển mấy nhịp đèn mới thoát khỏi ùn tắc. Lợi dụng vỉa hè khá rộng, nhiều người thậm chí còn chẳng tiếc công lao xe lên khu vực người đi bộ mong thoát khỏi đoạn đường khá bụi bặm này. Tuyến đường Phạm Văn Đồng cắt với Xuân Thủy cũng nóng không kém. Đây là tuyến đường đổ ra bến xe Mỹ Đình với số lượng sinh viên khá đông nên cả tuyến đường phải gánh lượng người hồi hương không nhỏ. Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, càng về cuối giờ chiều, lượng người đổ ra đường dồn dập và cùng một thời điểm càng khiến cảnh ùn tắc cục bộ xuất hiện nhiều. Đặc biệt nóng vào thời điểm này là một số tuyến đường nhỏ hẹp và có tuyến xe buýt dẫn tới các bến xe Hà Nội như: Chùa Bộc, Tây Sơn, Đê La Thanh, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu... Toát mồ hôi trong dòng người trên đường Trường Chinh, Phan Mạnh, sinh viên đại học Giao thông vận tải Hà Nội thú thật, cậu đã phải “bùng” hai tiết cuối buổi học chiều nay để về quê cho sớm. Thế nhưng, cũng phải mất tới 20 phút, cậu sinh viên quê Thanh Hóa mới cõng được chiếc balô nặng trịch ra tới đường Trường Chinh. “Không ngờ đường lại đông như thế. Biết vậy, em đã cố đợi tới sáng mai mới về,” Mạnh nói. Nóng không kém trong thời điểm chiều nay là khu vực những điểm chờ xe buýt. Trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên-Hà Nội), sinh viên và lao động ngoại tỉnh xếp kín dọc đường đợi bắt xe khách. Những tuyến xe buýt về các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… ngày thường vốn đã khá đông thì trong dịp nghỉ lễ phải hoạt động hết công suất mà vẫn luôn phải chịu cảnh quá tải trong khi xe khách gom khách không xuể. Các tuyến buýt chạy qua nhiều trường đại học như khu vực trường đại học Bách Khoa, đại học Xây dựng Hà Nội, đại học Giao thông Vận tải Hà Nội… đã hầu như không còn chỗ trống. Xe buýt chạy qua khu vực này đều phải chịu cảnh chen lấn để được nhồi nhét lên xe. Cửa xe thậm chí đã phải mở ở cả đường lên và xuống để hứng lượng sinh viên quá đông Nhà xe tha hồ “chặt chém”, “nhồi” khách Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Lương Yên, lượng khách về các tỉnh cũng đông gấp nhiều lần ngày thường. Ngay trước cửa bến xe, hành khách lỉnh kỉnh đồ đạc cùng người thân đưa ra bến khiến khu vực này luôn ken cứng người. Cùng với đó, rất đông "cò vé" đứng để “chèo kéo” khách nhanh chân lên xe về quê. Khu vực cửa bến xe Giáp Bát thời điểm 17 giờ chiều nay khá nhốn nháo. Măc dù đã có lực lượng chức năng bám chặt ở các khu vực cửa ra vào của bến nhưng tình trạng taxi dừng đỗ trả khách ngang nhiên giữa đường khiến phía cửa vào bến không ngớt tiếng người quát tháo hòa lẫn còi xe inh ỏi. Phía trong bến, nhiều tuyến xe về thành phố, thị xã liên tỉnh, xe vừa tới sân đã phải quay đầu do hành khách nháo nhào kiếm chỗ khi xe vừa mở cửa. Tuy nhiên, đông nhất là các tuyến xe về các huyện của tỉnh bởi lượng xe cung ứng cho khu vực này khá ít và tần suất không nhiều khiến nhà xe tha hồ "nêm" chặt hành khách mà không ai dám kêu ca vì muốn nhanh chóng về nhà. Mặc dù vậy, khi xe xuất bến, nhiều người vẫn chưa có thói quen ngại mua vé trong bến mà đứng ngay dọc đường đợi bắt xe tạo cơ hội cho các nhà xe “chặt chém” và gây mất an toàn giao thông mỗi khi nhà xe “táp” vào đường tranh khách. Nhiều hành khách đi chặng ngắn như Hà Nội-Phủ Lý cũng phàn nàn, họ buộc phải trả giá vé đồng hạng như đi Nam Định, Ninh Bình vì nếu không nhà xe sẽ không chịu chở. Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, ngay từ khu vực trong bến, nhiều xe đã có tình trạng nhồi khách. Đặc biệt, những tuyến xe đi Nam Định, Ninh Bình cỡ nhỏ do nhanh chóng đầy khách khiến rất nhiều người đã lỡ bị đám cò lôi kéo lên xe phải chấp nhận chen vai nhau khởi hành. Theo ông Nguyễn Tiến Thành, giám đốc bến xe Giáp Bát, tình hình bến xe chiều nay cũng đang tăng khoảng 30% so với ngày thường. Tuy nhiên, lượng người đổ về bến có thể sẽ tăng cao hơn vào chiều muộn vì đây là thời điểm khá mát mẻ. Khách đi lại chủ yếu là những tuyến ngắn nên hoàn toàn có thể về tới nhà vào buổi tối. Ngoài ra, để tránh tình trạng lộn xộn hay chèn ép khách, ban quản lý bến xe Giáp Bát cũng đã tăng cường việc giám sát, kiểm tra. Những chuyến xe chậm rời bến để chèo kéo khách sẽ bị lập biên bản. Nhằm tránh tình trạng chặt chém giá vé và có chỗ ngồi khi “hồi hương”, ông Thành cũng khuyến cáo, hành khách có nhu cầu đi lại trong dịp này nên vào bến mua vé, tránh đón xe dọc đường dễ bị nhà xe dồn khách, ép giá… Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội nhận định, dịp nghỉ lễ này mặc dù lượng người đổ về bến xe khá đông nhưng sẽ không lo thiếu xe bởi các đơn vị vận tải đã có những phương án điều động nhằm giải tỏa khách. Ông Trung cũng đánh giá: “Hành khách sẽ đổ về các bến xe và đông nhất là các tuyến cự ly ngắn đi các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Việt Trì...”
Theo kế hoạch, Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội đã tăng cường gần 200 chuyến xe chia đều cho các bến để đáp ứng nhu cầu đi lại cao của hành khách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Cụ thể, Bến xe phía Nam (Giáp Bát) sẽ tăng cường 80 xe, tập trung ở các tuyến như Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; Bến xe Mỹ Đình tăng cường 85 xe tập trung ở tuyến Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ. Riêng Bến xe Gia Lâm, do nhu cầu hành khách mọi năm vào dịp này không lớn nên chỉ tăng cường thêm khoảng 25 xe cho tuyến Hải Phòng và Thái Bình. |
Hùng-Dũng(Vietnam+)