Các ngân hàng loay hoay tìm đầu ra cho vàng

Không còn cho lợi nhuận như trước, hiện nay, vàng đang trở thành gánh nặng với ngân hàng vì khó tìm đầu ra đối với kim loại quý này.

Ngân hàng Nhà nước đang xem xét khả năng không cho phép các ngân hàng huy động, cho vay vàng vì lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, đến thời điểm này chuyện dừng hay không vẫn còn chưa ngã ngũ bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Đối với các ngân hàng hiện nay, câu thành ngữ “quý như vàng” đang được biến thiên thành “ế như vàng”. Vàng đang trở thành gánh nặng khó trút với các ngân hàng vì khó tìm đầu ra cho nguồn huy động còn tồn lại.

Lượng gửi không giảm dù lãi suất gần 0%

Ngân hàng Nhà nước đang xem xét khả năng không cho phép các ngân hàng huy động, cho vay vàng vì lo ngại rủi ro. Tuy nhiên, đến thời điểm này chuyện dừng hay không vẫn còn chưa ngã ngũ bởi Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Song giới kinh doanh ngân hàng phỏng đoán khả năng dừng rất cao vì việc cho vay vàng tồn tại rủi ro về nguồn và gây áp lực về tỷ giá.

Hiện Việt Nam có khoảng hơn một chục ngân hàng huy động và cho vay vàng. Mặc dù lượng vàng đổ vào các ngân hàng chưa nhiều, thời kỳ cao điểm nhất cũng chỉ được khoảng 30% nguồn tích trữ trong dân cư, nhưng cũng là một khoản vốn rất đáng kể.

Sau quyết định của Chính phủ về việc đóng cửa các sàn giao dịch vàng và ngừng giao dịch vàng trên tài khoản ở nước ngoài, giao dịch vàng vật chất trên thị trường giảm đi đáng kể, trong khi đó lượng vàng trong ngân hàng cần tất toán còn tương đối lớn.

Tuy nhiên, với quyết định mới của Chính phủ, các ngân hàng chỉ còn “cửa” bán trong nước. Thanh khoản hẹp lại, rủi ro tăng, các ngân hàng buộc phải hạn chế huy động.

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã không ít lần thay đổi biểu lãi suất huy động và cho vay vàng, thậm chí có ngân hàng còn điều chỉnh lãi suất huy động về gần bằng 0%.

Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất vay vàng hiện đã giảm hơn một nửa so với chừng giữa năm trước, chỉ còn khoảng 3%. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động về bằng vàng vẫn khó giải quyết đầu ra trong khi tăng trưởng huy động bằng vàng tại Eximbank không có dấu hiệu sụt giảm dù lãi suất huy động đã xuống gần 0%.

Hiện Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng là một trong những ngân hàng đã đưa lãi suất huy động vàng xuống mức khá thấp, tiệm cận bằng 0%. Cụ thể, lãi suất huy động vàng được ACB áp dụng cho kỳ hạn từ 2 - 12 tháng dao động mức 0,2 - 0,4%/năm. Duy chỉ có kỳ hạn 13 tháng, lãi suất tiết kiệm bằng vàng của ACB ở mức 1,3%/năm, nhưng với điều kiện là khách hàng phải gửi tối thiểu 2.000 lượng vàng.

Lãi suất huy động vàng của Ngân hàng Sài gòn Thương tín (Sacombank) từ ngày 14/4 vừa qua chỉ còn 0,07%/năm. DaiABank còn thấp hơn, đạt 0,05% cho kỳ hạn từ một đến 36 tháng.

Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội lý giải, thời gian gần đây, cùng với sự “leo thang” chóng mặt của giá vàng (mức tăng giá trung bình 25%/năm), lượng khách vay vàng giảm mạnh do e ngại khả năng trả nợ.

Chật vật với vàng


Kể từ 12/4, Tổng công ty Vàng Agribank (AJC) đã quyết định ngừng huy động tiết kiệm ủy thác bằng vàng cho các chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Trúc lý giải AJC làm theo chỉ đạo của ngân hàng mẹ Agribank sau khi Ngân hàng Nhà nước cho biết đang cân nhắc dừng hoạt động huy động và cho vay vàng trên toàn hệ thống.

Các ngân hàng cổ phần vẫn tiếp tục huy động tiết kiệm vàng song họ tỏ ra lo lắng khi hay tin AJC đã ngừng. Bản thân họ đang loay hoay lo đầu ra cho lượng vàng còn tồn trong hệ thống. Nhu cầu vay vốn bằng vàng lúc này vẫn chưa cải thiện nhiều, chỉ những doanh nghiệp chấp nhận rủi ro về giá mới liều mạng vay vàng quy đổi ra vốn tiền đồng.

Theo ước tính sơ bộ, Ngân hàng Việt Á (VietA Bank) đang còn tỷ lệ vàng quy đổi ra tiền đồng chiếm gần 30% tổng tài sản, theo sau đó là ACB và Eximbank với tỷ lệ hơn 10% tổng tài sản. Con số này đang làm nhức nhối những người đứng đầu ngân hàng về bài toán tạo tính thanh khoản.

Đại diện ACB cho biết, trong tháng 2/2010, ACB chỉ cho vay được 40% trong tổng vốn huy động về bằng vàng và nhu cầu tín dụng vàng vẫn theo chiều hướng giảm dần trong tháng 3. Để giải quyết khối lượng vàng huy động về đang tồn kho, ACB đang có kế hoạch xây dựng một số sản phẩm cho vay vốn bằng vàng và bảo hiểm rủi ro về giá, dự kiến sắp triển khai.

Một trong những nguyên nhân khiến đầu ra khó khăn là do vàng không còn được sử dụng làm công cụ thanh toán phổ biến trong mua - bán như trước, kể cả giao dịch bất động sản. Nếu có nhu cầu vốn để thanh toán trong mua - bán bất động sản, người tiêu dùng và nhà đầu tư chỉ chọn vay VND hoặc USD, thay vì vàng như trước đây.

Bên cạnh đó, biến động khó lường của thị trường buộc người có nhu cầu vay vàng phải tính lại bài toán chi phí. So với lãi suất vay vàng hiện được các ngân hàng áp dụng mức phổ biến 0,25 - 0,5%/năm thì lãi vay tiền đồng có cao hơn, nhưng ít rủi ro. Trong khi đó, nếu vay vốn bằng vàng, nhà đầu tư khó tránh được rủi ro biến động giá, cho dù trong thời gian ngắn.

Cũng theo một số ngân hàng, khả năng lãi suất gửi vàng sẽ còn giảm thêm, đồng thời ngân hàng sẽ không trả lãi khi gửi vàng các kỳ hạn ngắn, thậm chí còn thu phí như một hình thức giữ hộ./.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục