Các ngân hàng Mỹ tiếp tục yêu cầu TARP trợ giúp

Theo thông báo ngày 13/1 của một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, Bộ này đã giải ngân tổng cộng 189 tỷ USD cho 257 ngân hàng trong khuôn khổ chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) lần thứ nhất trị giá 350 tỷ USD của chính phủ liên bang, song đến nay vẫn còn hàng nghìn ngân hàng trong danh sách yêu cầu được hỗ trợ từ chương trình này.

Theo thông báo ngày 13/1 của một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, Bộ này đã giải ngân tổng cộng 189 tỷ USD cho 257 ngân hàng trong khuôn khổ chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP) lần thứ nhất trị giá 350 tỷ USD của chính phủ liên bang, song đến nay vẫn còn hàng nghìn ngân hàng trong danh sách yêu cầu được hỗ trợ từ chương trình này.
 
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của ông Neel Kashkari, người phụ trách giám sát chương trình giải cứu tài chính trên, cho biết nhu cầu được hưởng hỗ trợ từ chương trình trên là "khổng lồ". Hiện số lượng đơn xin trợ giúp của các ngân hàng hiện do các nhà điều phối xem xét là hàng nghìn và tập trung tại tất cả các tiểu bang, chưa kể hàng trăm đơn xin hỗ trợ đã được chấp nhận. Ông cho biết Bộ Tài chính Mỹ hiện còn khoảng 60 tỷ USD để đầu tư vào các ngân hàng theo chương trình TARP, trước khi chuyển sang gói giải cứu thứ hai trị giá 350 tỷ USD theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm George W. Bush.
 
Cùng ngày 13/1, ban lãnh đạo Citigroup và Morgan Stanley công bố quyết định thành lập công ty liên doanh Morgan Stanley Smith Barney, sáp nhập hoạt động môi giới toàn cầu của hai công ty môi giới riêng rẽ Global Wealth Management Group của Morgan Stanley và Smith Barney của Citigroup. Với thỏa thuận sáp nhập này, Citigroup nhận được khoản tiền mặt trả trước 2,7 tỷ USD và Morgan Stanley Smith Barney có khối lượng tài sản khách hàng lên tới 1.700 tỷ USD và 20.000 nhà môi giới trên toàn thế giới.
 
Là một trong những ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng thị trường nhà đất do đã đầu tư nhiều khoản lớn vào thị trường cho vay thế chấp và những hình thức cho vay khác, Citigroup đã buộc phải xem xét kế hoạch bán bớt tài sản để bù đắp những khoản lỗ khổng lồ liên tiếp, tránh phá sản. Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, giá cổ phiếu của Citigroup đã giảm tới 88% trong hai năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục