Các ngân hàng sẽ tài trợ cho khu vực Tây Nguyên 15.000 tỷ đồng

Các ngân hàng thương mại sẽ cung ứng 15.000 tỷ đồng cho khu vực Tây Nguyên vào các lĩnh vực như thủy điện, nhiệt điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các ngân hàng sẽ tài trợ cho khu vực Tây Nguyên 15.000 tỷ đồng ảnh 1Lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây nguyên, Ngân hàng Nhà nước tại buổi họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 14/5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 được tổ chức vào cuối tuần này tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Ban tổ chức cho biết, tại hội nghị xúc tiến năm nay, các ngân hàng thương mại  như Vietcombank, VietinBank, MB, Agribank, BIDV, LienVietPostBank... sẽ tham gia ký 10 hợp đồng tín dụng với số tiền tương ứng 15.000 tỷ đồng cho các lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi và 2 thỏa thuận hợp tác.

Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta, có tiềm năng phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó kinh tế nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò mũi nhọn. Mặc dù có tiềm năng và lợi thế nhưng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển.

Tiếp nối thành công hai Hội nghị trước (2011và 2013), Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần 3 năm 2015 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, nhằm huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững và giải quyết tốt an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, hội nghị sẽ thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng…

Tính đến 31/3, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt 152.427 tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm 2014, cao hơn bình quân của cả nước (2,65%) và chiếm 3,74% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn khu vực Tây Nguyên đạt 72.971 tỷ đồng, tăng 3,29% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 47,87% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của cả khu vực.

Riêng dư nợ cho vay đối với ngành cà phê tại khu vực Tây Nguyên tính đến cùng thời điểm trên đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cuối năm 2014 (chiếm 78,58% dư nợ cho vayngành cà phê toàn quốc).

Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp đến cuối quý 1 năm 2015 đạt hơn 25.000 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, để phát huy tiềm năng lợi thế của Tây Nguyên trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đầu tư tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và có thế mạnh cho khu vực này là càphê, chè, cao su.

"Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng cung ứng đủ vốn ưu tiên cho vay sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, cho vay theo hướng quy mô công nghiệp và cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trong nông nghiệp," Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đối với công tác an sinh xã hội, ngành ngân hàng nhiều năm qua góp phần hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng đời sống cho người nghèo, giảm nghèo bền vững tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên, trong đó tập trung vào các chương trình hỗ trợ cho mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo… Tính từ năm 2008 đến 2014, ngành ngân hàng đã dành trên 556 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục