Các ngân hàng trung ương ASEAN thảo luận về nội dung kinh tế ưu tiên

Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngân hàng trung ương khu vực tăng cường phối hợp chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính.
Các ngân hàng trung ương ASEAN thảo luận về nội dung kinh tế ưu tiên ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ nhất năm 2023 diễn ra từ ngày 28-31/3, tại Bali của Indonesia, ngày 28/3, Hội nghị Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (ACDM) đã thảo luận về các nội dung kinh tế ưu tiên (PED) năm 2023.

Hội nghị đã thu hút sự tham dự của các Phó Thống đốc và đại diện từ các Ngân hàng trung ương của 9 nước, gồm Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), Ngân hàng Negara Malaysia (BNM), Ngân hàng Thái Lan (BOT), Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP), Ngân hàng Lào (BOL), Ngân hàng trung ương Brunei Darussalam (BDCB), Ngân hàng quốc gia Campuchia (NBC) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV).

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia Dody Budi Waluyo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các ngân hàng trung ương khu vực tăng cường phối hợp chính sách nhằm hỗ trợ phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường ổn định tài chính. 

Thay mặt quốc gia Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023, ông Dody khẳng định tổ chức khu vực này cần tăng cường hợp tác và thực hiện các bước tập thể nhằm thúc đẩy ba Nội dung kinh tế ưu tiên (PED) trong năm nay bao gồm tái thiết và phục hồi, kinh tế kỹ thuật số và phát triển bền vững.

[Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng ASEAN]

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về 3 trọng tâm chính, bao gồm đa dạng hóa tiền tệ bằng cách thăm dò sử dụng các giao dịch bằng đồng nội tệ (LCT); phát triển Kết nối thanh toán khu vực (RPC) nhằm tăng cường kết nối thanh toán xuyên biên giới và hỗ trợ tăng trưởng bao trùm; và tăng cường khả năng chống chịu về tài chính vĩ mô thông qua việc thực hiện đồng bộ các chính sách.

Liên quan đến các vấn đề trên, các đại biểu cho rằng ASEAN cần phát triển hệ thống thanh toán và số hóa bằng cách thúc đẩy hợp tác kết nối thanh toán để hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch hơn và bao trùm hơn.

Ngoài ra, ASEAN cũng cần tăng cường hiểu biết về hỗn hợp chính sách và khuyến khích các nước trong khu vực xây dựng khung phân tích có hệ thống nhằm tăng cường dự báo trong trường hợp xảy ra các cú sốc.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về việc thúc đẩy hội nhập tài chính trong khu vực đến năm 2025, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với các ưu tiên của Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 như nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Các kết quả thảo luận tại hội nghị sẽ được báo cáo lên AFMGM diễn ra vào ngày 31/3 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục