Các nhà đàm phán chuẩn bị Hội nghị Copenhagen

Ngày 2/11, tại Barcelona, đại diện 180 nước đã có cuộc họp cuối cùng về dự thảo cho hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Copenhagen.
Ngày 2/11, tại Barcelona (Tây Ban Nha), đại diện 180 nước trên thế giới đã tiến hành cuộc họp cuối cùng để đàm phán về thỏa thuận dự thảo cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra ở Copenhagen, Đan Mạch vào trung tuần tháng tới.

Cuộc họp kéo dài một tuần, tập trung vào mục tiêu cắt giảm khí thải ở các nước phát triển, và các biện pháp có thể được áp dụng ở các nước đang phát triển để hạn chế chiều hướng gia tăng phát thải khí mà không ảnh hưởng đến tốc độ phát triển ở những nước này. Các nhà đàm phán cũng phải xác định cách thức quyên góp và quản lý nguồn quĩ 150 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu.

Trong ngày họp đầu tiên, các đại biểu gây sức ép buộc Mỹ đưa ra cam kết cụ thể về cắt giảm khí điôxít  cácbon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính và đóng góp cho quỹ toàn cầu hỗ trợ các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, Connie Hedegaard, người sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc sắp tới, cho rằng Mỹ không thể "đi tay không" đến Copenhagen sau khi Tổng thống nước này Barack Obama được trao giải Nobel Hòa bình.

Thư ký Liên hợp quốc phụ trách biến đổi khí hậu, Yvo de Boer bóng gió chỉ trích Mỹ khi nói rằng Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Brazil và Hàn Quốc đã tiến xa hơn các nước phát triển giàu có trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Trưởng đoàn Mỹ, Jonathan Pershing khẳng định Washington có kế hoạch tham gia thỏa thuận mới với điều kiện nội dung thỏa thuận phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, quá trình này khó có thể kết thúc trước ngày khai mạc Hội nghị Copenhagen.

Cùng ngày, Thủ tướng Đan Mạch, Lars Lokke Rasmussen nhận định Hội nghị Copenhagen sẽ đạt thỏa thuận mang tính ràng buộc về chính trị, nhưng một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý về vấn đề này sẽ phải được đưa ra sau đó.

Theo ông Rasmussen, các nước không thể hoàn tất thảo luận tính pháp lý cho tất cả các chi tiết trong bản dự thảo thỏa thuận dài 180 trang trong vòng 5 đến 6 tuần tới. Vì vậy, sẽ còn một số việc phải làm sau Hội nghị Copenhagen nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Ông Rasmussen trong hai tháng qua đã có một loạt cuộc trao đổi với lãnh đạo nhiều nước trên thế giới về chủ đề biến đổi khí hậu, mới đây nhất là cuộc trao đổi ngày 2/11 với Thủ tướng Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva (Nga).

Ông Rasmussen cho biết các nhà lãnh đạo khác đã thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm mang lại một kết quả cho Hội nghị Copenhagen, trong khi Nga cam kết sẵn sàng ký thỏa thuận mới nếu các nước khác cũng làm như vậy và nếu mục tiêu cắt giảm khí thải trong thỏa thuận tính đến diện tích rừng rộng lớn, vốn là nơi hấp thụ nhiều khí thải của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục