Các nhà đầu tư đang đánh cược vào kinh tế Mỹ

Các thị trường chứng khoán châu Á sôi nổi với phỏng đoán giới hoạch định chính sách Mỹ duy trì biện pháp kích thích tài chính.
Mở màn tuần giao dịch mới, các thị trường chứng khoán châu Á ngày 9/11 diễn ra sôi nổi khi giới đầu tư đánh cược rằng việc tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vọt lên mức cao nhất trong 26 năm qua sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách nước này tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích tài chính cho đến khi sự phục hồi của nền kinh tế có một nền tảng bền vững hơn.

Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này tăng 1,4%, nâng tổng mức tăng kể từ khi rơi xuống mức thấp nhất trong 1 tháng cách đây một tuần lên khoảng 5%, trong đó cổ phiếu ngành nguyên vật liệu tăng mạnh nhất, rồi đến cổ phiếu khối tài chính.

Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản kết thúc phiên này tăng 19,64 điểm (0,20%) lên 9.808,99 điểm; trong khi hoạt động mua vào của các nhà đầu tư thể chế và nước ngoài đẩy chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 4,33 điểm (0,28%) lên 1.576,79 điểm.

Tại Đài Loan, chỉ số Weighted tăng 73,65 điểm (0,99%) lên 7.536,70 điểm khi giới đầu tư hy vọng rằng thỏa thuận hợp tác tài chính với Trung Quốc đại lục sẽ sớm được ký kết.

Còn chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng 80,9 điểm (1,76%) lên 4.674,9 điểm, nhờ cổ phiếu khối tài chính tăng giá mạnh, theo sau báo cáo kinh doanh của các công ty cho kết quả tốt và tâm lý tiêu dùng cải thiện.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hongkong ghi thêm 377,83 điểm (1,73%) lên 22.207,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,55 điểm (0,37%) lên 3.175,59 điểm, với giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thép tăng mạnh nhất trước hy vọng rằng giá thép tăng cao sẽ giúp gia tăng lợi nhuận.

Riêng chỉ số tổng hợp Philippines giảm 15,76 điểm (0,54%) xuống 2.915,71 điểm, do sức ép từ việc giới đầu tư bán chốt lời các cổ phiếu blue-chip liên quan tới vụ tiếp quản nhà bán lẻ điện lực hàng đầu Meralco.

Thị trường chứng khoán châu Á lên điểm theo sau đà tăng tại Phố Wall phiên cuối tuần qua sau khi Chính phủ Mỹ cho biết lần đầu tiên kể từ năm 1983 tỷ lệ thất nghiệp tháng 10/09 tại nước này đã vượt ngưỡng 10%.

Mặc dù có những bằng chứng rõ ràng về thực trạng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ, nhưng sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này càng củng cố những nhận định của giới đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cần phải giữ lãi suất ngân hàng ở mức thấp kỷ lục 0-0,25% trong một thời gian nữa.

Lãi suất thấp thường làm giảm nhu cầu đồng USD và hỗ trợ tính thanh khoản, nhưng đổi lại có thể làm tăng giá cổ phiếu.

Linus Yip, chiến lược gia công ty chứng khoán First Shanghai Securities Ltd. ở Hongkong, nhận định trong bối cảnh giới đầu tư châu Á đã "hấp thụ" những thông tin về thị trường lao động Mỹ, họ có thể sẽ dồn sự chú ý trở lại Trung Quốc, khi nhiều số liệu kinh tế về nước này sẽ được công bố trong tuần này, trong đó có doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục