Các nhà đầu tư là một bộ phận của nền kinh tế VN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định các nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia thị trường Việt Nam đều được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra lời khẳng định trên tại cuộc đối thoại với hơn 20 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản, năng lượng, xây dựng, viễn thông, y tế, tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 28/1, ở Davos, Thụy Sĩ.

Đây là lần thứ 2 tại Davos, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Điều này thể hiện sự quan tâm của giới doanh nghiệp quốc tế đối với Việt Nam, quốc gia đã có bước tiến ngoạn mục vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ những số liệu thống kê và các yếu tố minh chứng rằng Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn cho làn sóng đầu tư giai đoạn hậu khủng hoảng. Năm 2009, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng tổng sản lượng nội địa (GDP) cao so với khu vực và thế giới. Bất chấp những khó khăn do khủng hoảng tài chính toàn cầu, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODA) vào Việt Nam trong năm 2009 vẫn đạt hơn 21 tỷ USD. Cộng đồng quốc tế tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA kỷ lục hơn 8 tỷ USD trong tài khóa 2010.

Dù trong giai đoạn khó khăn, Việt Nam vẫn kiên trì thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư về hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam nhìn nhận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như một cơ hội để đưa nền kinh tế có những bước chuyển mạnh mẽ chứ không chỉ là thách thức.

Nêu bật những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 và những biện pháp đảm bảo tăng trưởng dài hạn, Thủ tướng khẳng định sự lớn mạnh của mọi nền kinh tế đều không tách khỏi thành công của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tham gia thị trường Việt Nam đều được coi là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lắng nghe và trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của các tập đoàn kinh tế trên thế giới quan tâm đến giải pháp, kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng; tăng cường quy định và quản lý tài chính toàn cầu chặt chẽ hơn; các biện pháp gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và đối phó với tình trạng sụt giảm thương mại toàn cầu; các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển và các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; định hướng phát triển hệ thống ngân hàng; chiến lược phát triển năng lượng cũng như quan điểm và biện pháp của Việt Nam về cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng.

Bên lề Hội nghị thường niên WEF 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn hàng đầu của thế giới như: Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Credit Suisse (Thụy Sĩ), Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), Microsoft (Hoa Kỳ), Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chứng kiến Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Credit Suisse trao hợp đồng thu xếp vốn 200 triệu USD cho Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Đây là một trong những động thái tích cực của Credit Suisse trong chiến lược phát triển kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hậu khủng hoảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục