Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả nhãn tiền ngày một nghiêm trọng do biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có hiện tượng băng tan nhanh ở Bắc Cực, Greenland...
Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu ảnh 1Băng tan ở Greenland. (Nguồn: Getty Images)

Các nhà khoa học Mỹ ngày 17/12 đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả nhãn tiền ngày một nghiêm trọng do biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có hiện tượng băng tan nhanh ở Bắc Cực, Greenland và tình trạng ấm lên bất thường ở bang băng giá Alaska của Mỹ.

Cảnh báo trên được các nhà khoa học thuộc Văn phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ ở bang Virginia đưa ra trong báo cáo thường niên về tình trạng tan băng ở Bắc Cực.

Báo cáo sử dụng số liệu thu thập được từ 63 nhà khoa học ở 13 quốc gia trên thế giới và được công bố tại hội nghị của Liên đoàn vật lý địa chất Mỹ diễn ra ở thành phố San Francisco.

Để thực hiện báo cáo này, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích các số liệu đo đạc từ tháng 10/2013-9/2014. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn trên, nhiệt độ tại Bắc cực tiếp tục tăng so với mức trung bình 30 năm qua và gấp hơn hai lần so với các vùng khí hậu lạnh hơn. Nền nhiệt gia tăng đã đẩy nhanh quá trình tan băng, đe dọa môi trường sống và kiếm ăn của loài gấu Bắc cực. Khí hậu ấm lên cũng khiến mật độ tuyết bao phủ tại đây trong mùa Xuân giảm so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010.

Theo báo cáo, mặc dù bề dày các lớp băng ở Bắc cực tăng nhẹ so với năm 2013 nhưng vẫn không bằng những lớp băng dày và chắc chắn hồi năm 1988. Những lớp băng già hiện chỉ chiếm 10% trong mỗi khối băng, trong khi con số này trước đây là 26%.

Tại Greenland, lãnh địa băng lớn thứ hai trên thế giới sau Nam cực, hiện tượng băng tan cũng diễn ra với tốc độ nhanh hơn mặc dù tổng diện tích băng không thay đổi trong hai năm 2013-2014.

Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn nói trên, nền nhiệt trung bình tại Alaska cao hơn 10 độ C so với mức nhiệt trong tháng 1/2014. Trong khi Đông Bắc Mỹ, miền Trung nước Nga và khu vực giáp ranh giữa châu Âu - châu Á hứng chịu những đợt giá rét kỷ lục, thì Alaska và khu vực Bắc Âu lại trải qua đợt nắng nóng bất thường.

Nhiệt độ tăng cũng khiến mật độ tuyết bao phủ tại Bắc Mỹ hồi tháng Sáu vừa qua giảm xuống mức thấp thứ ba trong lịch sử kể từ khi các số liệu được đo đạc.

Tại miền Tây nước Nga, khu vực Scandinavia, khu vực cận Bắc cực ở Canada và phía Tây Alaska, tuyết tan sớm hơn bình thường từ 3-4 tuần.

Nhiệt độ trên bề mặt các đại dương ở Bắc cực cũng gia tăng, đặc biệt ở biển Chukchi, phía Tây Bắc Alaska, với mức tăng trung bình khoảng 0,5 độ C mỗi thập kỷ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục