Thông qua tuyên bố Delhi

Các nhà lãnh đạo BRICS thông qua tuyên bố Delhi

Hội nghị thượng đỉnh BRICS thông qua tuyên bố Delhi gồm 50 điểm, trong đó bày tỏ nguyện vọng tăng cường hợp tác vì phát triển chung.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại thủ đô New Delhi chiều 29/3 đã thông qua tuyên bố Delhi gồm 50 điểm, trong đó bày tỏ nguyện vọng tăng cường hơn nữa sự hợp tác vì sự phát triển chung và thúc đẩy sự hợp tác trên tinh thần cới mở, đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng bày tỏ sẵn sàng làm việc với các nước khác, các nước phát triển và đang phát triển trên cơ sở các nguyên tắc đã được công nhận theo luật pháp quốc tế, để đương đầu với những thách thức và cơ hội trong thế giới ngày nay.

Tuyên bố nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng tăng của các nước đang nổi và đang phát triển trong các thế chế điều hành toàn cầu sẽ được tăng cường tính hiệu quả để đạt được mục tiêu này.

Hội nghị thừa nhận tầm quan trọng của kiến trúc tài chính toàn cầu trong việc duy trì sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu.

Tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình hình tài chính hiện nay, cho rằng trong khi kinh tế BRICS đã phục hồi khá nhanh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì triển vọng tăng trưởng kinh tế của thế giới lại èo uột do sự bất ổn của thị trường, đặc biệt là tại khu vực đồng euro (Eurozone).

Nợ công ngày càng tăng và những mối quan ngại về sự điều chỉnh tài chính trong trung và dài hạn tại các nước tiên tiến đang tạo nên một môi trường không chắc chắn đố với sự phát triển toàn cầu…

Các nhà lãnh đạo BRICS tin rằng điều quan trọng đối với các nền kinh tế tiên tiến là áp dụng các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô có trách nhiệm; tránh tạo nên hoạt động thanh toán tiền mặt quá mức trên toàn cầu, đồng thời tiến hành các cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm…

Tuyên bố cũng cho biết, các nhà lãnh đạo BRICS đã cân nhắc khả năng thành lập một ngân hàng phát triển mới để huy động các nguồn cho các dự án hạ tầng cơ sở và phát triển thích hợp trong BRICS, cũng như các nền kinh tế đang nổi và phát triển khác; chỉ thị cho các bộ trưởng tài chính của nhóm xem xét tính khả thi của một sáng kiến như vậy; thành lập một nhóm làm việc chung để nghiên cứu sâu hơn nữa và báo cáo lại với các nhà lãnh đạo BRICS tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5….

Tuyên bố cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc đối với tình hình hiện nay tại Syria và Iran; kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tất cả hành động bạo lực và vi phạm quyền con người tại Syria; kêu gọi không để vấn đề Iran leo thang thành cuộc xung đột; khẳng định Iran có vai trò quan trọng đối với sự phát triển hoà bình và thịnh vượng của khu vực…

Hiện chiếm gần 18% GDP, 40% dân số, 15% thương mại và 40% dự trữ ngoại tệ của toàn cầu, BRICS đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cho rằng tiềmnăng kinh tế của năm nước BRICS rất mạnh và họ có thể nằm trong nhóm bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050./.

Minh Lý-Tiến Hiến/New Delhi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục