Các nhà máy hóa chất cần đảm bảo an toàn khi triều cường gây ngập

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các doanh nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh có phương án chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn trong trường hợp triều cường gây ngập.
Các nhà máy hóa chất cần đảm bảo an toàn khi triều cường gây ngập ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành và các địa phương thực hiện các phương án nhằm chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra.

Công văn yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp, nhà máy trong các khu công nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân viên làm việc trong các nhà máy, nhà xưởng khi xảy ra thiên tai.

Đặc biệt, các doanh nghiệp, nhà máy ven sông có chứa hóa chất độc hại cần chủ động đề phòng tình huống mưa to kết hợp triều cường gây ngập lụt, sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người lao động và ô nhiễm môi trường

Theo đánh giá của tỉnh Đồng Nai, mặc dù năm 2014 trên địa bàn không xảy ra thiên tai gây chết người, song tình trạng thời tiết cực đoan với các trận dông, lốc, thủy triều dâng cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Trong số đó, có 395 căn nhà bị tốc mái, 10 căn nhà cấp 4 bị đổ sập, 81ha cây trồng bị đổ ngã, hạ tầng điện, một số đường giao thông bị sự cố, hư hỏng. Đặc biệt, lốc xoáy kèm theo mưa đá xuất hiện trên địa bàn huyện Định Quán và Tân Phú gây thiệt hại khá nặng cho người dân.

Dự báo năm 2015, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều tình huống thời tiết cực đoan, do đó, tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng các phương án để đối phó.

Tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu, thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải phù hợp với phạm vi quản lý của từng ngành, địa phương, đơn vị và từng vùng trọng điểm; đồng thời bổ sung phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão gây ra; xác định biện pháp huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên từng địa bàn; rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư hiện có, bảo đảm bổ sung đủ cơ số và chất lượng cần thiết, để huy động kịp thời khi có thiên tai, sự cố, tai nạn xảy ra.

Công việc này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan đơn vị phải hoàn thành trong tháng 4/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục