Hai nhà thầu nước ngoài quan tâm đến dự thảo Quy hoạch thép

Các nhà thầu Nhật Bản và Đức quan tâm đến dự thảo Quy hoạch thép

Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) cho biết, hai nhà thầu tư vấn nước ngoài nói trên là Deloite của Nhật Bản và Roland Berger của Đức đã bày tỏ sự quan tâm đến dự thảo Quy hoạch ngành thép.
Các nhà thầu Nhật Bản và Đức quan tâm đến dự thảo Quy hoạch thép ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến hết tháng Hai, đã có hai đơn vị tư vấn nước ngoài gửi thư bày tỏ sự quan tâm đến dự thảo Quy hoạch ngành thép.

Cụ thể, hai nhà thầu tư vấn nước ngoài nói trên là Deloite của Nhật Bản và Roland Berger của Đức. Hai nhà thầu nước ngoài này được đánh giá là đảm bảo đủ năng lực để trở thành đơn vị tư vấn quy hoạch thép Việt Nam.

Trước đó, khi lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch ngành thép, Bộ Công Thương cho rằng, việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam là một việc làm mới.

Bên cạnh đó, việc thuê một công ty tư vấn nước ngoài, độc lập cũng là cách để đánh giá, nhìn nhận khách quan, cầu thị trong việc xây dựng quy hoạch của ngành.

"Hiện Vụ Công nghiệp nặng đang tiến hành lập hồ sơ và lập tổ tư vấn lựa chọn nhà thầu. ​Tổ tư vấn sẽ đánh giá năng lực và lựa chọn đơn vị có phương án tối ưu, giải pháp tốt nhất và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam," đại diện Vụ Công nghiệp nặng cho hay.

Báo cáo mới đây cho thấy, hiện ngành thép Việt Nam mới chỉ sản xuất được phôi thép xây dựng với công suất 6 triệu tấn là nguyên liệu đầu vào cho ngành cán thép xây dựng. Trong khi, năm 2015, cả nước thiếu hụt tới 15 triệu tấn thép thô. Chính vì thế, nhập siêu thép của Việt Nam đã lên tới 6-7 tỷ USD, ảnh hưởng đến cán cân thương mại và sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao cho Bộ Công Thương cần khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phấn phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế để báo cáo Thủ tướng.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, việc quy hoạch cần tính đến các yếu tố ổn định và bên vững, giảm dần sự mất cân đối giữa thép dài và thép dẹt, giữa sản xuất và lưu thông phân phối. Bên cạnh đó cần sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, tiến tới từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi phép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyệt cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hạn chế tối đa việc sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công Nghiệp nặng. Trong đó, Bộ trưởng giao cho Vụ Công nghiệp Nặng là đơn vị chủ trì. Đơn vị thực hiện là Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Việc ​làm này khẳng định quyết tâm của Bộ Công Thương sẽ đi đầu trong cải cách hành chính vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục