Các nhân tố làm thay đổi cuộc chơi địa kinh tế toàn cầu

Sự thành công của Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện giữa Trung Quốc và EU là minh chứng cho sự thất bại của Mỹ trong nỗ lực can thiệp vào mối quan hệ giữa hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhân tố làm thay đổi cuộc chơi địa kinh tế toàn cầu ảnh 1(Nguồn: politico.eu)

Theo trang mạng news.cgtn.com, sau 7 năm đàm phán, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đạt được Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện (CAI).

Sự kiện này là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi địa kinh tế vì nó sẽ kích thích mạnh sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới và truyền cảm hứng cho sự lạc quan mới trong toàn cầu hóa.

CAI là minh chứng cho sự thất bại của Mỹ trong nỗ lực can thiệp vào mối quan hệ giữa hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới và là lời chỉ trích gay gắt đối với cả Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump lẫn Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Chính quyền Biden sắp tới hoặc sẽ phải điều chỉnh để thích ứng theo thực tế mới này, hoặc đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng.

Thỏa thuận còn phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, nhưng vai trò hàng đầu của Đức - lãnh đạo trên thực tế của EU - trong việc đạt được thỏa thuận cho thấy đây có thể chỉ là hình thức.

EU đã dũng cảm chống lại sức ép của Mỹ trong việc chính trị hóa thỏa thuận bằng cách đưa ra cái gọi là cáo buộc “nhân quyền” đối với Trung Quốc nhằm gây trở ngại cho thỏa thuận này.

Điều quan trọng nữa là thỏa thuận đã đạt được trong quá trình chuyển giao chính quyền ở Mỹ, điều này cho thấy châu Âu muốn gửi tới chính quyền sắp tới của Biden thông điệp rằng họ sẽ không quay trở lại thế bá quyền đơn cực của Mỹ.

Thế giới đã thay đổi và nước Mỹ cũng phải thay đổi.

Dự thảo văn bản của thỏa thuận được các phương tiện truyền thông thế giới chia sẻ gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ mở cửa nhiều lĩnh vực kinh tế cho đầu tư của châu Âu, bao gồm viễn thông, sản xuất và ngân hàng.

Tuy nhiên, những lĩnh vực khác, chẳng hạn như chăm sóc y tế và ôtô, sẽ vẫn tương đối ít cởi mở hơn.

Các điều khoản nêu trong thỏa thuận là một sự kiện khởi đầu cho quan hệ kinh tế Á-Âu vì chúng sẽ cho phép mỗi bên khai thác đầy đủ hơn tiềm năng của nhau.

Các vùng ngoại vi phía Tây và phía Đông của siêu lục địa Á-Âu giờ đây sẽ đầu tư vào nền kinh tế của nhau với các điều kiện bình đẳng hơn và chưa có tiền lệ trong lịch sử.

[BRI bị chững lại... do "sự dàn trải quá mức" của Trung Quốc?]

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) sẽ được thúc đẩy khi Trung Quốc được tiếp cận đầu tư vào EU nhiều hơn. Tương tự, mô hình phát triển mới về lưu thông kép cũng sẽ được hưởng lợi vì đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc sẽ thúc đẩy cả lưu thông trong nước và quốc tế.

Theo dự kiến, hai bên sẽ bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn CAI.

Thỏa thuận này, nếu đạt được, có thể trở nên quan trọng về mặt chiến lược tương tự như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký hồi tháng 11/2020 giữa Trung Quốc và 14 quốc gia khác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Bắc Kinh có tham vọng tạo ra một cộng đồng chung cho nhân loại, bắt đầu từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua RCEP và sau đó dần mở rộng ra khắp phần còn lại của lực địa Âu-Á, châu Phi và châu Mỹ.

Hơn một nửa không gian giữa Trung Quốc và EU thuộc về Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga lãnh đạo.

Tại khu vực này, Bắc Kinh đã đồng bộ hóa năng lực kinh tế của họ thông qua BRI và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), phù hợp với kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin về Quan hệ Đối tác Á-Âu Mở rộng.

Tiến trình sắp tới và các kế hoạch cho một thỏa thuận thương mại với EU sẽ thúc đẩy đáng kể các mục tiêu hội nhập Á-Âu của ba bên.

Một hành lang kết nối xuyên lục địa khác, Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Trung Á-Tây Á, đang được tiến hành song song với Dự án Vành đai đất liền Á-Âu thông qua Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga lãnh đạo.

Hành lang này có 3 thành phần bổ sung: Thứ nhất là hành lang trung gian giữa Trung Á, Biển Caspi, Nam Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai là khả năng tạo ra một hành lang xuyên Trung Á hoàn toàn mới kết nối với Iran, quốc gia mà Trung Quốc đang đàm phán một thỏa thuận kinh tế trị giá hàng tỷ USD, và sau đó là với Thổ Nhĩ Kỳ và EU.Thứ ba là mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) về phía Tây qua Iran.

Với chiến lược địa kinh tế lớn và đầy tham vọng này, tầm quan trọng toàn cầu của CAI trở nên dễ hiểu hơn. Thỏa thuận đầu tư này đóng vai trò là mỏ neo phía Tây cho hàng lang kết nối Đông-Tây xuyên Á-Âu.

CAI sẽ cho phép cả hai góc của siêu lục địa xích lại gần nhau hơn, từ đó theo thời gian sẽ cải thiện sự hội nhập với tất cả các quốc gia nằm ở giữa.

Chắc chắn CAI là một thỏa thuận lịch sử và có lẽ là một trong những thỏa thuận quan trọng nhất đạt được trong thế kỷ này tính tới thời điểm hiện tại.

Thỏa thuận cũng cho thấy rằng thế giới có thể chống lại sự can thiệp của Mỹ và sẽ vẫn thích ứng tốt nếu Mỹ ngày càng lún sâu vào chủ nghĩa biệt lập mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục