Các nước Baltic bắt đầu dựng hàng rào biên giới ngăn người di cư

Estonia, Latvia và Litva đang siết chặt kiểm soát thẻ căn cước (ID) và dựng hàng rào trên đường biên giới phía Đông của mình vì quan ngại hàng nghìn người tị nạn có thể vào các nước này.
Các nước Baltic bắt đầu dựng hàng rào biên giới ngăn người di cư ảnh 1Người tị nạn Syria vượt biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP)

Estonia, Latvia và Litva đang siết chặt kiểm soát thẻ căn cước (ID) và dựng hàng rào trên đường biên giới phía Đông của mình do lo ngại khu vực Baltic sẽ trở thành cửa ngõ mới cho những người tị nạn trong bối cảnh các tuyến đường di cư qua khu vực Balkan đã trở nên khó khăn hơn.

Estonia, Latvia đã bắt đầu dựng hàng rào trên đường biên giới chung với Nga vì quan ngại trước việc hàng nghìn người tị nạn có thể vào các nước này từ Nga.

Trong năm ngoái, khoảng 6.500 người tị nạn đã đến Phần Lan và Na Uy từ Nga.

Estonia đang lắp đặt các thiết bị giám sát giống như Litva làm tại biên giới với Belarus nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu và di cư trái phép.

Trong khi đó, tại Litva, hàng trăm lính biên phòng, cảnh sát và quân nhân trong tuần này đã bắt đầu nhiệm vụ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới. Việc tái áp dụng kiểm tra ID tại khu vực biên giới với quốc gia láng giềng phía Bắc Latvia cũng sẽ được thử nghiệm.

Ngày 8/3, Thủ tướng Slovenia Miro Cerar tuyên bố tại một hội nghị cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) rằng tuyến đường qua khu vực Tây Balkan đã bị đóng lại.

Ông nhấn mạnh "hôm nay hoặc ngày mai" Slovenia sẽ bắt đầu thực hiện quy định chỉ cho phép những người di cư có giấy tờ theo yêu cầu của các nước thành viên khối tự do đi lại Schengen đi qua nước này, song không nêu cụ thể loại giấy tờ gì.

Hồi tháng 2 vừa qua, các quốc gia ở dọc tuyến đường Balkan bắt đầu từ Hy Lạp đến Áo đã áp đặt kiểm soát biên giới khiến hàng nghìn người di cư hiện nay đang mắc kẹt tại Hy Lạp sau khi đến nước này từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 8/3 bày tỏ quan ngại trước việc chính sách tị nạn của châu Âu ngày càng khó khăn khi quan điểm chống người tị nạn và tấn công bạo lực nhằm vào người di cư ngày càng tăng.

Phát biểu tại Berlin sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh EU cần làm nhiều hơn nữa trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trong khi đó, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cùng ngày cũng đã thể hiện "sự quan ngại sâu sắc" về một thỏa thuận do EU và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Ông Grandi nhấn mạnh ông lo ngại về bất kỳ sự sắp xếp nào liên quan đến việc gửi trả lại người từ quốc gia này đến quốc gia khác mà không giải thích rõ ràng về nguyên tắc bảo vệ người tị nạn theo luật pháp quốc tế.

Các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) cũng đã ủng hộ quan điểm của ông Grandi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục