Các nước cam kết tăng đóng góp tài chính chống biến đổi khí hậu

Ít nhất 19 quốc gia và 28 nhà đầu tư hàng đầu thế giới đã hưởng ứng sáng kiến thiết lập quỹ thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất năng lượng sạch trị giá hàng chục tỷ USD.
Các nước cam kết tăng đóng góp tài chính chống biến đổi khí hậu ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ đóng góp 30 triệu USD chống biến đổi khí hậu tại Thái Bình Dương, Trung Mỹ và châu Phi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đúng như lời hứa được đưa ra trong cuộc vận động tranh cử tại Canada hồi tháng 10 vừa qua, ngày 1/12, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tái khẳng định cam kết sẽ đầu tư 300 triệu CAD (tương đương 224,5 triệu USD) cho kế hoạch phát triển năng lượng sạch

Thủ tướng Trudeau đưa ra tuyên bố trên bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Paris của Pháp, nhằm hưởng ứng sáng kiến chung của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande và người sáng lập hãng phần mềm nổi tiếng Microsoft Bill Gates.

Ông Trudeau nhấn mạnh: “Canada tự hào là một đối tác trong sáng kiến tham vọng toàn cầu này. Thông qua hợp tác, chúng ta sẽ tạo ra lợi ích thực sự cho môi trường trong khi vẫn tăng cường phát triển kinh tế, bao gồm cả việc tạo thêm nhiều việc làm cho tầng lớp trung lưu.”

Sáng kiến kêu gọi thiết lập quỹ lên tới hàng chục tỷ USD để thúc đẩy phát triển công nghệ phục vụ sản xuất năng lượng sạch từ sức gió và năng lượng Mặt trời. Hiện đã có ít nhất 19 quốc gia và 28 nhà đầu tư hàng đầu thế giới hưởng ứng sáng kiến này.

Cùng ngày, trong một cuộc họp với giới chức lãnh đạo các quốc đảo tại Paris bên lề COP21, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ đóng góp 30 triệu USD vào các kế hoạch bảo hiểm cho nguy cơ rủi ro do biến đổi khí hậu tại khu vực Thái Bình Dương, Trung Mỹ và châu Phi.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết số tiền trên sẽ giúp nâng khả năng chi trả bảo hiểm để hỗ trợ người dân tại các khu vực trên đối phó với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu như các đợt hạn hán khắc nghiệt, lũ lụt, các cơn bão, hiện tượng băng tan và mực nước biển dâng.

Cũng theo bộ trên, số tiền này là một phần trong kế hoạch hành động nhằm giúp những đối tượng dễ bị tổn thương chống chọi với tình trạng biến đổi khí hậu. Kế hoạch này bao gồm việc cung cấp các thông tin và dữ liệu về khí hậu, các công cụ và dịch vụ, và kết hợp các biện pháp chống biến đổi khí hậu vào việc hỗ trợ phát triển.

Sự hỗ trợ của Mỹ cũng là một phần trong nỗ lực nhằm hướng đến mục tiêu mà Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã đặt ra vào mùa Hè vừa qua, theo đó trước năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho thêm 400 triệu người tại các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất tiếp cận với nguồn bảo hiểm để giúp họ đối phó với các nguy cơ do biến đổi khí hậu.

Đại diện Amjad Abdulla đến từ quốc đảo Maldives và cũng là đại diện của Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) đánh giá khoản tiền đóng góp của Mỹ là “dấu hiệu của một bước tiến.”

Ông Abdulla cho biết hiện các nước này đang kêu gọi các đối tác xem xét những thách thức lớn mà họ đang phải đối mặt và cùng nhau giải quyết vấn đề này.

Được xem là hội nghị về chống biến khí hậu có ý nghĩa quyết định, COP21 được kỳ vọng sẽ thông qua được một thỏa thuận cụ thể ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục